Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2008

Waltzing Matilda (tiếp theo #5)

Ngày 6 (30/12): Coolangatta - Sea World - Brisbane

Như thường lệ, lúc mẹ thức dậy thì cũng là lúc Lem tỉnh giấc. Mẹ gợi ý Lem ngủ thêm, nhưng Lem tinh nghịch mượn câu nói của một nhân vật trong cuốn sách "Things I like" vừa đọc hôm qua để trả lời mẹ, "Con thích dậy sớm!" (nguyên văn "I like waking up early."). Rồi Lem giục mẹ dẫn đi chơi.

Trời thật lạnh. Theo dự báo thì có lẽ bão đã tới Queensland; Thảo nào mấy hôm nay trời hiếm khi nào quang mây. Sông Tweed lặng lờ trôi, thỉnh thoáng gió lại đẩy sóng vỗ oàm oạp vào mép sông, làm nổi lên từng đống bọt trắng. Lem nghịch nước một lúc trong lúc chờ bố dậy, rồi cả nhà lại sẵn sàng lên đường.

Mọi người chắc sẽ hỏi cắm trại ngoài trời thì Lem làm vệ sinh cá nhân ở đâu nhỉ. Đương nhiên là "đúng nơi quy định" rồi. Đất nước du lịch như Úc, tất nhiên, không thiếu nhà tắm luôn được giữ gìn sạch sẽ ở bất kỳ khu vực sinh hoạt cộng đồng nào. Nhưng xin thưa, lý tưởng nhất vẫn là nhà tắm của dây chuyền đồ ăn nhanh McDonald's.

Tới nhà hàng có chữ M màu vàng to tướng đầu tiên gặp trên đường, bố vào mua đồ ăn sáng trong khi mẹ gặp quản lý mượn chìa khoá phòng tắm để tranh thủ cùng Lem tắm rửa và thay đồ. Xong đâu đấy, sạch sẽ tinh tươm và no nê, cả nhà phóng thẳng tới Sea World - một trong các điểm đến mà Lem đã mong đợi từ mấy hôm nay.

Gặp gỡ Elmo và các bạn

Có thể nói, nếu đến Gold Coast mà chưa một lần tới các công viên giải trí, được gọi là "Theme Parks", thì có lẽ chưa thực sự đến đây. Có thể các công viên này chẳng có gì gọi là "quá" hoành tráng so với nhiều trung tâm giải trí khác trên thế giới (mẹ đang nghĩ đến Disneyland ở California), nhưng ít ra Sea World cũng đã đem đến cho gia đình mình một ngày nghỉ vui vẻ và để lại cho Lem nhiều ấn tượng sâu sắc.



11 giờ sáng, bãi đỗ xe đã chật cứng. Đi bộ từ chỗ đỗ xe vào khá xa - có cảm giác như cả nước Úc đổ về đây hôm nay.

Sea World chào đón Lem bằng một màn trình diễn lướt ván nghệ thuật hoàng tráng. Trời chốc mưa chốc tạnh nhưng không làm nản lòng khách du lịch.



Các chương trình biểu diễn đặc biệt cứ nối tiếp nhau. Mọi người có khoảng chưa đầy 10 phút để di chuyển từ địa điểm này tới địa điểm kia. Trong khi đó, mỗi địa điểm lại tuân thủ chính sách đóng cửa sớm trước giờ bắt đầu, để giữ trật tự. Cứ thế, mặc kệ những cơn mưa bóng mây đỏng đảnh, cả nhà lại theo dòng người di chuyển cho kịp các chương trình biểu diễn. Đầu tiên là chương trình "Sư tử biển làm Thám tử". Tiếp đến là "Vũng Cá heo", "Bãi Gấu trắng", rồi "Vịnh Cá mập và Thủy cung".





Một kỷ niệm dễ thương nữa của Lem, đó là lần đầu tiên Lem được gặp các nhân vật trong Sesame Street, chương trình giáo dục mẫu giáo được trẻ em cả thế giới yêu chuộng. "Bãi biển Sesame Street" nhộn nhịp vì tiếng nhạc phát ra từ sân khấu, nơi có Bert, Ernie múa hát cùng Elmo, Zoe, Big Bird, Grover và Cookie Monster.




Đoạn phim ngắn không gian ba chiều về Bảo vệ Môi trường cũng là một điểm dừng hấp dẫn. Như người lớn, Lem hào hứng nhận từ tay các nhân viên rạp chiếu phim đeo đôi kính đặc dụng để xem phim ba chiều và cẩn thận đeo lên mắt. Phim ngắn, nhưng hình ảnh rất đẹp và ý nghĩa. Ý nghĩa đến nỗi đến cuối phim, khi màn hình chiếu đoạn rừng xanh bị con người tàn phá khiến nhiều động vật hoảng loạn vì môi trường sống bị huỷ hoại, Lem đã khóc oà lên vì thương cảm (và có lẽ cả sợ hãi nữa!). Đây không phải là lần đầu Lem khóc khi xem đến một đoạn phim cảm động. Con thật là nhạy cảm quá, con gái yêu ạ.



Công viên đóng cửa khá sớm. Tuy nhiên, trước khi ra về, Lem còn kéo tay bố mẹ ghé thăm bể bể nuôi cá heo con như đã dự định trước. Những chú cá heo con thấy Lem liền bơi lại gần, ngóc đầu chào, rồi cong lưng biểu diễn, trước khi lặn một hơi ra xa.



Gần bể cá heo là mô hình chiếc tàu thám hiểm Endeavour nổi tiếng của Thuyền trưởng Cook lừng danh. Mặc dù cầu tàu và lòng tàu đẫm nước mưa trơn tuột, Lem vẫn thoăn thoắt trèo lên tàu và bắt đầu chuyến thám hiểm nho nhỏ của mình.

Theo lịch sử, năm 1770, chiếc Endeavour do James Cook chỉ huy đã từ nước Anh vượt Thái Bình Dương cập bến bờ biển đông nam của châu Úc (nơi được James Cook đặt tên là Botany Bay), đánh dấu sự phát kiến của người châu Âu về châu lục này. Sau đó không lâu, chiếc Endeavour bị mắc cạn trên một bãi cát ngầm ở The Great Barrier Reef, nhưng cuối cùng đã được sửa chữa và an toàn trở về Anh Quốc, sau khi James Cook tuyên bố toàn bộ bờ biển phía đông châu Úc thuộc quyền sở hữu của Nữ hoàng Anh.

Mặc dù sự kiện năm 1770 trong lịch sử Úc vẫn gây nhiều tranh cãi (về quyền sở hữu của thổ dân vs. đế quốc Anh), nhưng với gia đình mình, kết thúc một ngày dạo chơi bằng chuyến viếng thăm về lịch sử này cũng khá thú vị đấy chứ.

Chợ cá nhà chú Peter

Trời càng mưa lạnh mẹ lại càng "thèm" ăn hải sản, thế mới lạ chứ :) Ngay trên Sea World Drive là tiệm "fish and chips" rất nổi tiếng đối với người địa phương, "Peter's Fish Market". Cửa hàng nằm quay lưng ra sông Nerang, một bên hông là bãi cỏ rộng với những dãy ghế băng picnic bằng gỗ. Gọi là "Chợ cá" vì ở đây, khách hàng không chỉ được đầu bếp chiêu đãi món "fish and chips" tươi ròn gói trong giấy to bản rất đúng kiểu, mà còn có thể tự tay chọn mua hải sản tươi bày ở phía ngoài rồi đưa nhà bếp chế biến hộ. Thực đơn không chỉ có cá tươi các loại, mà còn có hào, sò, trai, cua bể, tôm càng, tôm hùm, và món yêu thích của người Úc, tạm gọi là tôm rồng (con yabby). Chỉ có lưu ý là, lẫn giữa những món hàng tươi thì cửa hàng có bán cả hàng nhập khẩu, như cá basa/dory của Việt Nam chẳng hạn!

Lem cùng bố mẹ đứng xếp hàng chờ đến lượt mua cá một cách nhẫn nại. Cửa hàng khá rộng rãi nhưng chật ních, người đứng chờ, kẻ ngồi ăn. Thật vui!

Trời mưa càng lúc càng to. Bố mẹ đi đến quyết định mang tính chiến lược. Đó là ăn tối xong, cả nhà sẽ rời Surfers Paradise đi Brisbane luôn, chứ không ở lại để đi biển hay đi Movie World nữa. Lem có vẻ không phản đối gì đối với sự thay đổi kế hoạch này. Hi vọng sẽ nhà mình sẽ lại có dịp trở lại Gold Coast trong một ngày không xa!



Dochester Inn

Lần này, bố mẹ và Lem có phần may mắn hơn trong việc đặt nhà nghỉ. Mười một giờ đêm, sau một hồi đàm thoại với một loạt khách sạn ở Brisbane, mẹ mới tìm được một khách sạn còn phòng trống. Mẹ mừng rỡ hẹn chủ khách sạn, mình sẽ có mặt ở Brisbane trong vòng nửa tiếng nữa. Chủ khách sạn chỉ hỏi tên mẹ mà không cần lấy chi tiết thẻ tín dụng để giữ chỗ. Có lẽ họ cũng tin tưởng rằng, ai mà gọi điện vào lúc nửa đêm thế này để đặt phòng thì chắc chắn là không có ý định đùa cợt.

Nửa tiếng trở thành hơn một tiếng vì bố và mẹ cố gắng lắm mới tìm được đường đi. Chả là đường quốc lộ South East Freeway nối thẳng vào Riverside Expressway, không chạy vào trung tâm. Thế là bố chạy xe qua, và tiện đường ra khỏi thành phố luôn lúc nào chẳng hay. Sau một hồi rẽ ngang rẽ ngược, cuối cùng thì cả nhà cũng tới được khách sạn, và làm một giấc ngon lành tới sáng.

Đêm đó, Lem có thức dậy một lần. Lúc mẹ mở mắt, mẹ thấy Lem ngồi "chóc ngóc" trên chiếc giường con, và hỏi mẹ (bằng tiếng Anh), "Mẹ ơi, mình đang ở nhà mới hả mẹ?"...

Không có nhận xét nào: