Thứ Năm, 24 tháng 1, 2008

Waltzing Matilda (tiếp theo #3)

Ngày 4 (28/12): Port Macquarie - Coffs Habour

Sau một đêm muộn, bố tranh thủ làm một giấc mãi tới khi mặt trời đã lên quá ngọn cây mới dậy. Trong khi đó, như thường lệ, Lem dậy thật sớm, đánh răng rửa mặt, thay đồ tắm, bôi kem chống nắng, rồi cùng mẹ chạy một mạch qua bãi cát ra bờ biển. Với một dọc nhà nghỉ cao tầng nằm ngay sát bãi biển, Port Mạcquarie làm mẹ nhớ đến những khu nghỉ mát phổ biến ở phía Bắc Việt Nam như Đồ Sơn, Sầm Sơn hay Bãi Cháy. Dân chúng đến đây không làm gì hơn ngoài việc tận hưởng khí hậu vùng bán nhiệt đới ấm áp, trong lành, và vùng vẫy trong làn nước biển xanh biếc và tươi mát. Lem sung sướng tung tăng trên bãi biển, tuy đã mạnh dạn hơn với sóng nước nhưng vẫn chưa dám làm ướt nửa người trên...



Bánh nướng nhân cá sấu

Rút kinh nghiệm ngày hôm qua, hôm nay cả nhà rời Port Macquarie sớm hơn để hoà vào dòng xe du lịch hướng về phía Coffs Habour. Càng đi về phía Bắc, sự thay đổi của khí hậu và quang cảnh càng trở nên rõ rệt. Cây cối càng đi càng thấy xanh tươi mơn mởn, không khí ấm hơn, và cũng ẩm hơn. Đi qua khỏi trung tâm Kempsey, mẹ bắt đầu để ý thấy xuất hiện rất nhiều pa-nô quảng cáo "Fredo Pies", cứ đi khoảng một cây số lại thấy một tấm. "Bánh nướng nhân thịt (pies) với 50 loại khác nhau" - sao mà quyến rũ đến thế. Mẹ vừa lái xe, vừa chỉ lo mình đi quá mất tiệm bánh có cách quảng cáo vô cùng đặc biệt này. Cơ mà làm sao đi quá được chứ. Kia rồi, từ xa, mẹ đã thấy những chiếc ô-tô lần lượt rẽ ngoặt vào chỗ rẽ bên trái và dừng ở đó. Càng đến gần, tiệm bánh càng nổi bật với hai bức tượng to bằng người thật của nữ tài tử huyền thoại Marilyn Monroe, một ngồi bắt chéo chân trên mái nhà, một ở tư thế khom người trong chiếc váy trắng "tốc ngược" nổi tiếng.

Lời quảng cáo quả là, như người ta thường nói, chẳng "ngoa" chút nào. Ở đây phục vụ đủ các loại nhân, từ hải sản, cá sấu đến thịt thỏ và đà điểu. Bảng thực đơn dài không dưới 50 loại, chưa kể nghe nói chủ quán này có đến 160 công thức bánh khác nhau để thay đổi luân phiên mỗi ngày. Chủ quán hi sinh hai ngôi nhà ở mặt đường để bán hàng. Một nhà để bầy bánh, một nhà để khách ngồi ăn. Ngôi nhà khách sơ sài, không cải tạo, không trang trí. Khách có thể ngồi trong phòng ngủ để ăn, ngồi ở phòng ăn để nhâm nhi một ly cà phê, hay ngồi ngoài phòng khách để nghỉ ngơi hay tán dóc (tất nhiên là các phòng trống không, trừ vài bộ bàn ghế đơn giản). Trước khi ra về, mẹ và Lem còn tranh thủ mua thêm bánh và kem để ăn trên đường. Kem hương vị dâu cây nhà lá vườn có mùi vị tự nhiên, thơm mát khác thường.



Jetty Beach

Từ Fredo Pies đến Coffs Habour vẫn còn xa nhưng đường xe chạy khá tốt, mới hơn 4 giờ chiều, trung tâm Coffs Habour đã hiện ra trước mắt. Đây là bằng lăng, phượng vĩ, kia là hoa đại, hoa dâm bụt ... - các loài hoa nhiệt đới thân thuộc - đua nhau khoe sắc trong làn gió nhẹ đẫm mùi biển khơi. Thoạt nhìn, mẹ cứ ngỡ mình đã tới Queensland - miền nhiệt đới - rồi chứ. Sau khi dừng chân tại Trung tâm thông tin du lịch để định hướng, mẹ cho xe chạy thẳng ra bãi biển Jetty. Khí hậu ẩm ướt, đặc quánh. Có lẽ một phần là do trời sắp mưa - cơn mưa mùa hạ đầu tiên mà nhà mình gặp trong chuyến đi.



Lem vẫn còn say ngủ trên xe khi bố mẹ gọi dậy để đi thăm đảo chim - Muttonbird Island. Lem tỉnh ngủ nhanh lắm nhé. Trong chớp mắt, Lem đã thoăn thoắt ở lưng chừng ngọn núi (tuy chỉ thấp như đồi). Đứng từ trên nhìn xuống quanh cảnh phía dưới, Lem thốt lên, "cảnh đẹp như một bức tranh mẹ ạ". Trước mắt mẹ là một bức tranh tuyệt đẹp - trên trời xanh lơ hơi gợn mây, nước dưới vịnh xanh sẫm thấp thoáng những cánh buồm, còn giữa đồi cỏ xanh mơn mởn là một bé gái xinh xắn trong chiếc váy đầm xoè trắng muốt. Mẹ "nịnh nọt" mãi Lem mới chịu đứng lại cho mẹ chụp hình để lưu lại bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ này. Gần đây Lem rất là lười cho mẹ chụp hình đấy nhé, trong khi với mẹ thì Lem là nguồn cảm hứng nhiếp ảnh vô tận.


Nắng nhạt dần. Mây mù kéo đến ngày một nhiều. Trời bắt đầu lắc rắc mưa. Lem thốt lên, "Cầu vồng đến đây đi để xua tan mưa nào!". Thật là kỳ diệu - trên trời bỗng xuất hiện một vệt màu bảy sắc. Cầu vồng đến đấy! Mưa bóng mây ở biển thất thường, không làm ướt áo. Lem vui thích cùng mẹ đùa giỡn trên đỉnh đồi thêm được một lúc nữa.



Những chú chim mutton bỏ tổ trống không, đi kiếm ăn vẫn chưa về. Theo lịch thì mùa này là mùa ấp trứng của chim, vậy mà mẹ và Lem tìm mãi vẫn chẳng thấy tổ nào có trứng chim cả. Có lẽ nào chim lại dấu trứng kỹ càng như vậy nhỉ? Mẹ con mình cũng tò mò đấy chứ - lọ mọ vạch cỏ và lá cây để "săm soi" từng hốc đất tìm chim. Hốc đất nào cũng phủ kín những cành cây khô xếp khéo thành hình cái tổ tròn trịa, êm ái. Dù không thấy một chú chim non nào nhưng chưa bao giờ mẹ con mình lại có cảm giác khoan khoái đến thế. Cái cảm giác về sự gần gũi giữa người và thiên nhiên, về một chân lý là tất cả mọi sinh vật trên trái đất này đều sống trong một ngôi nhà chung ...

Xuống núi, Lem háo hức kéo tay bố mẹ tiếp tục đi thám hiểm trên những cầu tàu bằng gỗ trong vịnh. Trên các vách đá có rất nhiều cua nhé. Cua đá chỉ nhỉnh hơn cua đồng của Việt Nam một chút, bò lổm ngổm từng đôi hoặc lẻ loi từng con một. Còn dưới vịnh, dưới làn nước trong vắt là từng đàn cá đủ kích cỡ và màu sắc đang bơi lững lờ. Một lần nữa mẹ lại có cảm giác mình đang ở Queensland, rằng san hô nổi tiếng The Great Barrier Reef dường như ở đâu đây gần lắm. Nếu trời chưa xẩm tối thì có lẽ Lem và mẹ còn nằm trên cầu tàu mà ngắm cá đến hết ngày ấy chứ.

Bố chợt kéo tay mẹ đến xem một cậu bé, khoảng chừng 12 tuổi, đang đứng câu cá. Mẹ vội xin lỗi trước, lo rằng gia đình mình ồn ào sẽ làm ảnh hưởng đến việc câu cá của cậu bé. Nhưng cậu bé điển trai, tóc vàng, mắt xanh lại tỏ ra rất thân thiện. Cậu nheo mắt cười - "Chỗ này nhiều cá ngon, câu thoả thích!". Cậu còn biết dưới kia còn có cả rùa biển nữa (Tuy rằng sau đó, nghe theo lời cậu, Lem và mẹ tìm mỏi mắt mà chẳng thấy con rùa nào!). Vừa dứt câu chuyện thì cậu bé giật vội cần câu. Mắc ở lưỡi câu là một chú cá vền (bream) béo nõn, vảy bạc óng ánh. Chú cá này to gần bằng bắp tay người lớn, kích cỡ đã đủ độ thu hoạch (vì nếu cá chưa đủ lớn thì luật quy định sẽ phải thả cá ra, có lẽ để cá hưởng nốt vòng đời của nó thì phải?). Mẹ hỏi, "Con cá này sẽ đủ cho bữa tối của cháu chứ?". Cậu bé lại nheo mắt, "Đương nhiên rồi cô". Rồi vẫn nụ cười khoái chí vì buổi câu thành công ấy, cậu bé chào tạm biệt và xách nguyên cái cần câu vẫn lủng lẳng chú cá xấu số đằng đầu lưỡi câu ấy đi về phía bờ. Có lẽ gia đình cậu cũng đang ngồi câu ở đằng ấy.

Chia tay cậu bé, Lem lại bị hút vào một mục tiêu mới, đó là một chiếc xuồng đánh cá vừa cập bến kho cá ở đằng xa. Trên xuồng, anh thợ đánh cá đang hãnh diện cầm đuôi dựng ngược trên lòng xuồng, một con cá nục khổng lồ (GT hay Giant Trevally) to vĩ đại như một chiến tích cho cuộc đánh cá thành công. Con cá cao gần ngang ngực anh thợ, chắc mập, cái đầu gồ to (khiến có người nhầm đó là cá nục heo (dolphin fish)), da đen pha bạc trơn nhẵn, được phủ thêm một lớp ánh đồng khoẻ khoắn. Từng hộp cá đầy nhanh chóng được chuyển vào kho, nơi chúng sẽ đựợc chuyển thành bữa tối ưa chuộng "fish and chips" cho khách thập phương ở ngay quầy hàng ăn phía trước.

Tuy nhiên, con cá to chưa chắc đã là con cá ngon. Theo sách vở thì cá GT này thuộc một họ với các loài cá thu (markerel), cá trác (scad), cá sòng (pompano)v.v... Địa bàn hoạt động của cá chính là ở vùng nước ấm nhiệt đới như nơi đây. Song, GT thường là đối tượng của các tay câu cá giải trí hơn là những nhà sành ăn chuyên lùng kiếm đặc sản. Theo sách vở, trong thịt cá GT thường có một trữ lượng độc tố nhất định là ciguatoxin, có thể gây ngộ độc ở người. Độc tố này chịu nóng tốt nên không thể phá huỷ trong quá trình nấu ăn thông thường. Hi vọng GT ở Úc không bị nhiễm độc tố, bởi mẹ chưa bao giờ nghe nói tới một trường hợp nào ngộ độc ciguatera vì ăn hải sản cả.

Trời lại đổ mưa. Lần này mưa mau và nặng hạt. Mẹ đoán là mưa nhiệt đới thì sẽ chóng tạnh. Quả đúng là như vậy. Được khoảng mười phút, mưa thưa dần rồi tạnh hẳn. Lem thích thú đứng ở chỗ trú mưa chờ bố đi lấy xe, không một lời phàn nàn. Tối hôm đó, mẹ đã chọn sẵn một hội quán của dân chài để ăn tối.

Deep Sea Fishing Club

Hội quán nằm trên đỉnh một ngọn đồi, có tầm nhìn bao quát cả vịnh. Tiếng là "Hội quán ngư phủ" nhưng muốn vào hội quán, khách phải có đăng ký và ăn mặc chỉnh tề, giày dép đúng quy định. Ở đây không chỉ phục vụ những món ăn hải sản tươi ngon mà còn có cả quầy rượu và các máy đánh bạc nữa (điều này đến nơi mẹ mới biết!). Rất nhiều gia đình cũng tụ tập ở đây. Trẻ con có mặt khá đông, và đương nhiên là không được phép bén mảng đến gần các máy poker rồi. Món ưa chuộng nhất là các đĩa hải sản thập cẩm (seafood platter), phục vụ 2 người ăn cũng có mà cho cả 20 người cũng có. Nhìn nhưng mâm hải sản cho 20 người xếp cao như núi mà thực đã cơn thèm!

Lem nhanh chóng ăn xong bữa rồi vội vàng chạy ra sân chơi cùng với các bạn mới quen. Trời khá lạnh, lại rất tối. Mẹ chỉ sợ Lem để chân trần ra ngoài dễ bị muỗi đốt. Nhưng Lem thì chỉ thích ra chơi với các bạn thôi. Các bạn rất thân thiện - thấy Lem rụt rè thì đến bên vỗ về, rủ Lem chơi cùng. Thậm chí các bạn còn cắt cử một chị lớn để động viên và kèm cặp Lem tham gia trò chơi nữa chứ. Trẻ thơ thật là hào phóng và vô tư biết bao..

Không có nhận xét nào: