Chủ Nhật, 6 tháng 7, 2008

Permission to be Yourself: Five freedoms - VIRGINIA SATIR (1976)

The freedom to see and hear what is here
Instead of what should be, was, or will be.
The freedom to say what one feels and thinks
Instead of what one should.
The freedom to feel what one feels
Instead of what one ought.
The freedom to ask for what one wants
Instead of always waiting for permission.
The freedom to take risks on one's own behalf
Instead of choosing only to be 'secure' and not rock the boat.

Satir, V. 1976 Making contact Celestial Arts, Millbrae, CA

Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2008

Như chưa bắt đầu

Giọng ca Thu Phương trong "Như chưa bắt đầu" - Hãy lắng nghe ...

*** Lần đầu tiên và hình như cũng là lần cuối cùng mẹ nghe và yêu bài hát này là 5.5 năm về trước (khoảng tháng Hai năm 2002). Hôm nay vô tình nghe qua ... với những kỷ niệm dịu dàng ... theo "gió bay" ...

Chủ Nhật, 1 tháng 6, 2008

"- Làm gì hay ho bây giờ nhỉ?"

Vừa trở về sau một chuyến dã ngoại, bố chưa kịp tắt máy xe, ngồi ở ghế sau, Lem đã hỏi mẹ một câu như thế (Nguyên văn: "Can we do something speacial now?").

Mẹ nhún vai bảo Lem:

- Con vừa đi cưỡi ngựa về đấy thôi. Đó chẳng phải là một hoạt động "hay ho" sao con?

Lem lúc lắc đầu, cười hóm hỉnh:

- Ừ nhỉ. Thế mà con quên mất!

Nếu ở Việt Nam thì hôm nay là Ngày Quốc tế Thiếu nhi - ngày mà trẻ nhỏ thường được tặng quà và vui chơi thoả thích. Ở Úc không có ngày nào dành cho thiếu nhi, như mà có hẳn một Tuần lễ Thiếu nhi diễn ra vào tháng Mười (Lem chờ xem nhé!). Tuy vậy, bố mẹ vẫn muốn lưu giữ truyền thống bằng cách tặng cho Lem một món quà - đó là chuyến đi chơi xa này.

Lem du hí bằng tàu hỏa tí hon



Lem cưỡi Ginger và Black Velvet



Trông giống hoàng tử và công chúa dạo chơi trong rừng quá :)



Lem dỗ dành một chú ngựa trắng đốm sao



"- Để chị Lem lấy cỏ ngọt cho em ngựa ăn nhé!"



Sau chuyến dã ngoại, cả nhà ghé qua chợ mua thực phẩm. Lem đã giúp mẹ được khối việc khi đi chợ rồi nhé. Lem xách đồ hộ mẹ này, chọn rau quả giúp mẹ này, lại còn có thể tự đi tìm hàng cho mẹ nữa. Đây nhé, lúc nãy, khi đang xếp hàng chờ thanh toán, mẹ bỗng nhớ là còn thiếu một thứ - giò lụa, món khoái khẩu của ... bố. Chợ đông nghịt, người đứng xếp hàng rồng rắn. Mẹ xếp hàng gần đến lượt rồi, bấy giờ mà bỏ chỗ, lúc sau quay lại chắc sẽ phải chờ lâu lắm. Liếc thấy quầy giò ở ngay gần, mẹ quyết định đứng yên vị, rồi nhờ Lem đi lấy hàng hộ. Khúc giò để phía sâu trong tủ lạnh, lăn lóc giữa nhiều loại giò chả khác nhau, nhưng loay hoay một lúc thì Lem cũng chọn được đúng mặt hàng mà mẹ yêu cầu. Hai mẹ con mình phối hợp khá ăn ý đó chứ!

Buổi tối, Lem và mẹ ngồi ôn lại những việc đã làm vào ngày cuối tuần. Nếu liệt kê hết chắc Lem cũng có "ối" chuyện để kể với các bạn ở lớp ấy nhỉ.

Hôm qua, Lem được gia đình bạn Arianna mời tới nhà ăn trưa. Sau buổi học ballet, Lem và mẹ phóng xe thẳng đến nhà Arianna. Tới nơi, Nikola và mẹ bạn ấy đã có mặt ở đó. Ở lớp Mẫu giáo lớn, bộ ba Nikola, Arianna và Lem chơi với nhau có vẻ hợp gu hơn cả. Qua lời giới thiệu về bản thân của các con (được trưng bày trong phòng học), mẹ còn phát hiện ra rằng, các con có một số sở thích khá giống nhau: Một trong các món ăn ưa thích của cả ba bạn đều là pasta (mỳ nui); Arianna và Lem cùng thích vẽ; Nikola và Lem cùng thích đọc sách; Mỗi bạn đều nêu tên của hai bạn còn lại khi liệt kê những người bạn mà mình thích chơi cùng ở trường. Hôm nay, mẹ của Arianna chiêu đãi cả nhóm một bữa trưa nhẹ kiểu Venezuela, lạ kiểu nhưng thật ngon miệng. Lem kết nhất là cái bàn nhảy lò xo (trampoline) cỡ người lớn, và mải mê chơi với hai chị em Arianna tới tận chiều (Nikola phải về sớm có việc).

Chia tay gia đình Arianna, Lem giữ lời hẹn với bố, trở về nhà để cùng bố đi công viên. Bây giờ, Lem đã tự chơi xích đu một cách thành thạo, có thể đu được rất cao và hoàn toàn không cần mẹ phải đẩy giúp chút nào. Sau tiết mục xích đu là tiết mục đi thăm và cho vịt ăn. Trời sắp tối rồi mà lũ vịt trời vẫn còn tụ tập rất đông ở bến tàu để tranh ăn. Hình như chúng rất đói thì phải! Dạo này trời trở lạnh, có lẽ nguồn thức ăn của chúng đã bắt đầu khan hiếm hơn; vả lại, khách khứa có vẻ cũng ít lui tới đây dần.

Mùa đông chính thức bắt đầu rồi đấy, con yêu ...

Chủ Nhật, 25 tháng 5, 2008

Đánh thức nghệ thuật

Rong chơi chiều thứ Bảy



Lem bên cạnh bức Yến tiệc với Nữ hoàng Cleopatra (The banquet of Cleopatra (1743–44)) của danh họa Giovanni Battista Tiepolo



Lem tham gia vẽ tranh ở bảo tàng mỹ thuật



Chủ đề là "Sắc thu" nhưng mặc kệ, Lem cứ nhất định vẽ theo chủ đề mà Lem tâm đắc nhất



Lem thưởng thức nghệ thuật




Chủ đề chính chiều hôm nay là chuyến viếng thăm lần thứ hai của hai mẹ con tới bảo tàng mỹ thuật. Hôm nay, mẹ và Lem dành nhiều thời gian hơn ở gian trưng bày các tác phẩm thuộc thời kỳ Roroco. Rococo là một phong cách nghệ thuật mang đầy tính trang trí và khoa trương của châu Âu thế kỷ XVIII. Mẹ và Lem được tận mắt chiêm ngưỡng một số thiết kế nội thất chạm trổ cầu kỳ, tinh tế, có lẽ đã từng được trưng bày hoặc sử dụng ở châu Âu khoảng vài trăm năm về trước. Bên cạnh đó là những bức họa phong cảnh và chân dung trang hoàng và cầu kỳ của Watteau, Gainsborough, Tiepolo và đặc biệt là Joshua Reynolds. Bộ sưu tập của NGV có lẽ không thể nào so sánh được với những bộ sưu tập lớn ở các trung tâm văn hoá nghệ thuật tầm cỡ trên thế giới, nhưng dù sao cũng giúp cho mẹ và Lem có được một chút cảm nhận về lịch sử nền văn minh nhân loại đó chứ.

Mẹ nói về "nền văn minh nhân loại" nghe sao trang nghiêm quá nhỉ :) Thật ra với hai mẹ con mình, được dành cả buổi chiều thong thả bên nhau đã là một niềm hạnh phúc. Cho dù đó là việc cùng nhau khám phá sự biến đổi phối cảnh trong bức The banquet of Cleopatra nhờ ảo ảnh thị giác (optical illusion) ở bảo tàng, hay chỉ đơn giản là rong ruổi nhặt lá ngô đồng trên phố, bắt chuyện với một bác đánh xe ngựa đang tranh thủ giờ nghỉ mà nựng nịu đôi ngựa kéo đẹp như trong tranh của mình, hay là mơ màng ngắm vệt chiều tà trên dòng sông Yarra lặng lẽ vào một ngày cuối thu. À, đi tàu điện từ ngoại ô vào trung tâm thành phố cũng thú lắm nhé - Tuy rằng hôm nay hệ thống tàu điện trung tâm đã bị ngưng trệ bởi một cuộc biểu tình của cộng đồng người Macedonian ở Melbourne (liên quan đến việc công nhận tiếng nói của người Macedonian lưu vong trên lãnh thổ Hi Lạp). Người ta bảo "biểu tình trong hoà bình" quả không sai (!) Đoàn người đi diễu hành ăn vận trang phục dân tộc diêm dúa như đi hội. Ngoài một số nhân vật chủ chốt thỉnh thoảng lại đọc oang oang vài đoạn tuyên truyền (bằng tiếng Anh và bản ngữ) hoặc phát tờ rơi, những người còn lại ai cũng hớn hở và hân hoan, phất phơ cờ quạt, ca hát, nhảy múa rộn ràng.

Một số ảnh thời sự

Thứ Bảy, 24 tháng 5, 2008

Thân thiết và háu ăn

Có lẽ Lem cũng biết mẹ "ám chỉ" nhân vật nào rồi, phải không con yêu?

Thành viên mới nhất của gia đình, cô cá vàng nhỏ Ella, đang ngày càng trở nên thân thiết hơn với môi trường mới, và tất nhiên với các thành viên khác trong gia đình. Ella có một đặc điểm là rất háu ăn. Nhưng cả nhà đều "quán triệt" tư tưởng là, chỉ cho Ella ăn một lần trong ngày, và mỗi lần chỉ cho một miếng thức ăn (hoặc hai ba miếng nhỏ). Hơn ai hết, chị Lem là người luôn tôn trọng nguyên tắc này nhất. Trong khi đó, mẹ lại có vẻ là người dễ bị mềm lòng nhất mỗi khi Ella đòi ăn thêm.

Hôm nào đi học về, Lem cũng nhớ cho Ella ăn. Cô cá vàng nhỏ cũng thành thạo không kém. Bây giờ, cứ mỗi khi thấy Lem, Ella lại quẫy đuôi bơi theo, miệng chóp chép ra vẻ đói bụng lắm. Nếu Lem mà bận chưa kịp cho ăn, thể nào Ella cũng bơi theo để gây sự chú ý cho đến khi được ăn mới thôi.

Dần dần, cứ thấy có bóng bố, mẹ, hay dì Hương, là Ella cũng quẫy đuôi bơi theo tuốt - bất kể đó có phải giờ ăn của mình hay không. Thật đáng yêu làm sao! Cả nhà ai cũng cảm thấy yêu mến cô cá vàng tinh nghịch này.

Còn nhớ hồi mới về nhà, vì chưa quen nên mấy ngày đầu Ella cứ ở im một chỗ, suy nghĩ, ủ dột ... làm cho cả nhà lo lắng ghê lắm. Nhưng bây giờ thì mọi thứ có vẻ ổn rồi nhỉ (trộm vía!).

Chân dung Ella do Lem vẽ bằng chì màu

Thứ Tư, 21 tháng 5, 2008

Hãy cùng nhau tưởng tượng

- Mẹ, đây là nhà con. Mẹ không được vào nhé.

Lem vừa giao ước với mẹ vừa làm động tác vạch trên vỉa hè một đường giới hạn tưởng tượng.

- À, mẹ có chìa khoá đây này. Để mẹ mở cửa vào với con vậy! - Mẹ vừa nói vừa làm động tác mở khoá cửa.

- Không, mẹ không được vào. Chìa khoá của mẹ không mở được đâu. Chỉ con mới có chìa khoá thôi.

- Thế thì mẹ chịu rồi ...

Hôm nay, Lem được mẹ đón về sớm hơn thường lệ và cùng mẹ đi chợ. Lem ra chiều sung sướng lắm. Mua sắm xong, Lem chưa chịu ra về, mà còn tranh thủ nghĩ ra một vở kịch ngay trên đường phố để giữ chân mẹ.

Nói là sớm, nhưng mặt trời đã lặn rồi. Chỉ còn ánh chiều tà vấn vương đủ nhìn rõ mặt người mà thôi. Mẹ hơi sốt ruột vì trời bắt đầu sẩm tối, bèn nghĩ cách để thâm nhập được vào nhà của Lem, bằng không thì cũng "kéo" Lem ra khỏi vở kịch một cách hợp lý:

- Thế thì mẹ trèo bằng đường ống khói vậy nhé.

Lem vẫn đứng nhún nhẩy trong ngôi nhà tưởng tượng, dường như muốn quan sát xem mẹ trèo ống khói như thế nào. Mẹ vừa làm động tác trèo leo, vừa nhắc:

- Con chuẩn bị nhóm lửa lò sưởi đi chứ?

Lem hiểu ý ngay, giả vờ làm động tác nhóm lửa, thích chí đợi mẹ trèo xuống.

- Ôi nóng quá. Lửa đốt cháy đuôi áo mẹ rồi ...!

- Hi ... hi ... hi! - Lem cười phá lên một cách khoái chí. - Thế là mẹ bị mắc bẫy rồi nhá. Thôi, mình đi về đi mẹ.

Lem có vẻ rất thoả mãn với kết cục của vở kịch đóng vội, vui vẻ lên xe về nhà.

Nhìn Lem tươi tỉnh mà mẹ cũng tỉnh cả người. Khi nãy tới đón Lem, cô Jill đã tóm tắt các hoạt động lý thú của Lem ở trường cho mẹ nghe, khiến mẹ cũng vui lây. Này nhé, hôm nay, những hạt đậu mà các con gieo trồng thí nghiệm trong các hũ thuỷ tinh bịt hờ bằng vải thưa đã bắt đầu nhú mầm. Trong khi đó, tình bạn của Lem với các bạn cũng đang dần ngày càng thân thiết. Lem bắt đầu hứng thú mỗi sáng đến trường mới, biết rằng mình sẽ được gặp lại Nikola, Daisy ... và chơi với các bạn cả ngày. Cô Jill kể, Lem và các bạn đã say sưa đóng giả làm mèo và kêu meo meo suốt cả buổi sáng. Lem kể thêm, rằng các bạn chơi trò gia đình mèo, có mèo bố, mèo mẹ và mèo con ... và còn hát "Twinkle Twinkle Little Star" bằng tiếng mèo nữa.

Trò chơi đóng giả làm mèo này là do Lem tưởng tượng ra đấy. Chiều hôm qua, Lem rủ mẹ chơi trò này nhưng đã bị mẹ từ chối :( Mặc dù mẹ là người luôn nhiệt tình hưởng ứng hầu hết mọi trò chơi mà Lem nghĩ ra, nhưng có những trò (như trò "làm mèo" này) mẹ không thể nào bắt mình thích thú với nó được. Mẹ đã đồng ý chơi với điều kiện, hai mẹ con mèo phải nói tiếng Anh (chứ không được meo meo nghe nhức cả đầu!), và không được bò dưới sàn nhà (như những chú mèo con nhem nhuốc thật sự!). Mẹ chỉ thích mỗi đoạn "mèo con" nhảy phóc vào lòng "mèo mẹ" và ngoan ngoãn để "mèo mẹ" gãi gãi lưng "mèo con" và vuốt ve nó mà thôi. Đương nhiên là nếu bỏ những điều kiện này đi thì "mèo" đâu còn là mèo nữa. Bởi vậy mà Lem cũng chẳng hứng thú chơi trò này với mẹ, mà để dành mang đến lớp. Hóa ra, các bạn ở lớp lại bị thuyết phục bởi vở kịch ngộ nghĩnh này.

Chiều nay, Lem được Nikola và Ariana chạy theo tiễn tận cổng. Đến tối, bên bàn học, Lem ngồi cắm cúi tập viết tên Daisy, và âu yếm vẽ những trái tim màu hồng bên cạnh tên của bạn. Nhìn con bày tỏ tình cảm với bạn mình như vậy thật dễ thương làm sao.

Chủ Nhật, 18 tháng 5, 2008

Thăm bảo tàng mỹ thuật

Như thường lệ, những ngày nghỉ cuối tuần trôi qua một cách êm đềm. Nếu bố mẹ không gợi ý việc đi chơi, thì Lem cũng vẫn hài lòng với việc chỉ quanh quẩn ở nhà, với sách vở và những chú thú bông yêu quý của mình. Có vẻ không bao giờ Lem cạn ý tưởng ... Lúc nào Lem cũng nghĩ ra một trò gì đó để tự mua vui, đồng thời thoả mãn nhu cầu khám phá của mình, mà không làm phiền đến bố mẹ (Mặc dù bố mẹ không hề yêu cầu điều đó!)



Chiều chủ nhật. Chỉ còn mấy tiếng nữa là hết ngày nghỉ. Bố mẹ và Lem liền "khăn gói" vào trung tâm thành phố. Trời quang, mây tạnh, nhưng lạnh se. Chuẩn bị tiễn mùa thu đi mà ...

Chợ thủ công mỹ nghệ bên sông Yarra chỉ họp một lần một tuần vào các ngày Chủ nhật. Đương nhiên là Lem bị hấp dẫn ngay bởi các quầy hàng thủ công. Lem dừng lại rất lâu bên quầy bán các con giống bằng sắt. Những thanh sắt được cắt, uốn, hàn, sơn ... một cách nghệ thuật thành hình những con giống có đôi chút cách điệu và cá tính. Cạnh đó là quầy mũ len đan bằng tay. Chỉ tiếc rằng những chiếc mũ hình con giống mà Lem rất thích không có cái nào vừa cỡ đầu Lem. Bước qua hàng mũ len, Lem kéo mẹ dừng lại bên quầy đồ trang sức bằng ngọc trai. Chủ quầy thân thiện trao cho Lem một chiếc vỏ trai màu đen nhánh, dường như để minh họa cho câu chuyện ông kể về nguồn gốc những đôi khuyên tai ngọc trai đen trang nhã đang bày trong tủ kính. Chàng trai tóc vàng đứng trông quầy hàng trầm hương gần đó cũng tử tế và kiên nhẫn không kém khi đón tiếp cô khách hàng nhí này. Anh cúi thấp người để hướng dẫn Lem cách thử hàng. Lem hào hứng hít hà từng thanh nước hoa khô. Cuối cùng, Lem chọn một thanh boronia (một loài cây bụi của Úc thuộc họ Cửu lý hương) trong số các bốn loại hương được trưng bày, gồm có gỗ đàn hương (sandalwood), hoa hồng (rose), cam bergamot, và cửu lý hương. Dường như vẫn chưa thoả mãn, Lem còn rủ bố mẹ nấn ná một lúc ở cửa hàng tranh gỗ phong cách thổ dân - một chủ đề mà Lem đã từng được làm quen ở lớp Mẫu giáo - trước khi theo chân bố mẹ vào bảo tàng mỹ thuật.

Bố mẹ và Lem có tất cả ba tiếng để khám phá ba tầng lầu của nhà triển lãm. Ngay ở lối vào tầng một là lời chào mừng lịch lãm được in đậm trên nền bức họa Buổi khiêu vũ ở Moulin de la Galette (Le Bal au Moulin de la Galette) của Pierre-Auguste Renoir. Dòng chữ viết: "Khi ở Melbourne, ai cũng trở thành nghệ sĩ" ("You are an artist when you are in Melbourne").

Thời gian trôi qua nhanh ... Cả buổi chiều hôm nay trở thành cuộc khám phá bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật châu Âu thế kỷ XVIII - đầu XX của riêng Lem. Nói là của riêng Lem nhưng mẹ cũng hứng thú không kém gì Lem đâu nhé. Nhờ có Lem, mẹ mới học được cách thưởng thức hội họa qua con mắt trẻ thơ. Làm thế nào để Lem có thể dành cả gần nửa tiếng đồng hồ để chiêm ngưỡng bức sơn dầu của Edwin Landseer về "Titania và Bottom - Phân lớp trong vở kịch Giấc mộng Đêm hè*" vậy nhỉ? Nếu không phải là câu chuyện huyền bí về Titania - bà chúa xinh đẹp của các nàng tiên - đã khơi gợi sự tưởng tượng của Lem, thì cũng là cái tên khá ngộ nghĩnh của Bottom - tình yêu định mệnh của Titania trong một giấc mộng đêm hè - đã khiến cho Lem mỉm cười một cách tinh nghịch mỗi khi cái tên đó được nhắc đến. Công việc của Lem còn là ngồi đếm xem có những con vật nào có mặt trong tranh. Tác phẩm của Landseer lôi cuốn Lem bằng những cánh bướm trong suốt, mỏng mảnh như sương khói, bằng đôi thỏ ngọc lông trắng muốt và mắt long lanh như những viên hồng ngọc, bằng mặt trăng tròn đầy lấp ló như chơi trốn tìm sau rặng núi, và những vì sao lung linh xa xôi... Cứ như thế, Lem dẫn mẹ đi từ những bức sơn dầu mang không khí thần thoại của John William Waterhouse và những bức màu nước về phong cảnh đồng quê dung dị của Frederick Walker, đến những bức tượng đồng khỏe khoắn của Antoine-Louis Barye và những tác phẩm điêu khắc lịch lãm, lãng mạn của phong cách Auguste Rodin ... một cách đầy hào hứng và tò mò. Lem tỏ ra rất nhanh nhạy trong việc nhận biết các bức họa mà mẹ đố Lem tìm (dựa theo cuốn sách hướng dẫn của bảo tàng dành riêng cho thiếu nhi).

Những tác phẩm để lại ấn tượng cho Lem nhất gồm có "Titania and Bottom", "The Thinker" (Le Penseur), "Kissing Babies" (tác phẩm của Rodin?) và "The Ladder" (Tác phẩm chiếc thang dài bất tận bằng chất liệu sợi quang và kính mà tên nghệ thuật là "Tender are the stairs to heaven" (Dịu dàng sao những bậc thang dẫn đến thiên đường)) của nghệ sỹ đương đại Yayoi Kusama. Ngoài ra còn bộ trang phục màu đen trong bộ sưu tập thời trang ở tầng hai của bảo tàng, mà vừa nhìn thấy Lem đã nhận xét ngay rằng, rằng nó trông giống trang phục của một mụ phù thuỷ vậy (!)

***

Nguyên tắc mà Lem đã tự rút ra sau khi đi bảo tàng:

- Ở bảo tàng mỹ thuật, bạn không được chạm vào bất cứ thứ gì, nhưng có quyền quan sát tất cả mọi thứ. (... You cannot touch anything, but you can look at everything!)

** Hài kịch lãng mạn của William Shakespears (1564-1616)

Thứ Năm, 15 tháng 5, 2008

Ca nhạc The Wiggles

Hôm nay là một ngày làm việc, nhưng vốn là "fan" của The Wiggles, mẹ và Lem không thể không tạm các trách nhiệm đi làm, đi học sang một bên để tới dự buổi biểu diễn của ban nhạc này.



Mở đầu buổi diễn là màn chào hỏi của các "chú" Wiggles. Các chú Anthony và Sam hôm nay nhận được nhiều lời động viên hơn cả, vì sinh nhật của Anthony thì mới qua, còn sinh nhật của Sam thì sắp đến. Nhiều bạn nhỏ đã cẩn thận chuẩn bị những món quà và những tấm thiệp sinh nhật cỡ siêu lớn để tặng cho các chú. Một số "fan" khác, tuy không mang quà tặng, nhưng bù vào đó là những tấm biểu ngữ lớn với dòng chữ "CHÚC MỪNG SINH NHẬT" viết nắn nót trên các tấm bìa dày. Cả rạp hát rạo rực và náo nức bởi những tấm thịnh tình của cả khán giả lẫn diễn viên dành cho nhau.



Các nhân vật Wags, Henry, Dorothy và Captain Feathersword cũng lần lượt xuất hiện ngay ở đầu chương trình. Trong khi các nhân vật này thực hiện màn chào hỏi trên sân khấu thì các trợ lý chương trình len lỏi qua những hàng ghế khán giả với những chiếc túi đeo vai bằng vải cỡ lớn. Để làm gì con nhớ không? Để nhận quà từ tay khán giả giúp cho các bạn ấy. Dorothy là con gái nên dường như luôn được ưu ái nhất, với quà tặng thường là những bó hoa hồng đỏ - món ăn ưa thích của cô nàng.

Bài hát này nối tiếp bài hát khác một cách lôi cuốn. Song, thay vì nhảy múa và làm động tác theo điệu nhạc, phần lớn thời gian Lem chỉ đứng yên và quan sát một cách chăm chú. Mẹ nhìn sang bên cạnh, thì thấy một cô bé trạc tuổi Lem cũng có phản ứng y như vậy. Thay vì hồn nhiên lắc đầu, vẫy tay, giậm chân theo nhịp trống, giống như mấy đứa em tuổi tập đi của mình, cô bạn ấy cũng chỉ tì cùi chỏ vào thành lan can, chống tay lên cằm, ngồi nghe hát. Khi mẹ hỏi Lem tại sao không làm động tác, Lem lắc đầu, đưa mắt nhìn quanh tỏ ý ngượng ngùng(!) Mẹ thầm nghĩ, phải chăng các con đã "hết tuổi" The Wiggles rồi ư? Chẳng nhẽ các con lại lớn nhanh đến thế hay sao? Quả thật, các bé tuổi Lem đi xem The Wiggles trong rạp hát có lẽ chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Mẹ biết trước điều này nên đã quyết tâm năm nay phải đưa Lem đi xem The Wiggles - một ban nhạc rất có ảnh hưởng đến trẻ thơ - trước khi Lem đi qua tuổi thơ và không còn thấy hứng thú với The Wiggles nữa.

Lần đầu tiên Lem xem The Wiggles là khi Lem nhận được quà tặng Giáng sinh từ cô Lisa ở trường O'hana. Ngày ấy, Lem rất thích được xem đĩa The Wiggles vào mỗi giờ ăn sáng ở nhà, trước giờ đi học. Khi sang Úc, The Wiggles đã trở nên thân thiết với Lem tự bao giờ.

Ra về, Lem rất ngoan, biết kiềm chế và không đòi mẹ mua các văn hoá phẩm The Wiggles như nhiều em bé khác. Lem chỉ ra chiều suy nghĩ, và hỏi mẹ một câu:

- Mẹ ơi, thế chú Greg đã bị chú Sam thay thế và không bao giờ quay lại biểu diễn nữa hả mẹ?

À, và một câu hỏi nữa:

- Mẹ ơi, thế bây giờ mẹ con mình đi mua sắm (shopping) chứ?

Con gái mẹ có vẻ "lớn" thật rồi :)

***

Nhân ngày nghỉ, mẹ đưa Lem đi cửa hàng trong Bourke Street Mall. Mẹ đưa Lem lướt qua gian hàng đồ chơi. Tại đây, không hẹn mà gặp, Lem được dịp giao lưu và chụp ảnh với các bạn Emlo và Abby Cadabby tới từ Sesame Street ở nước Mỹ xa xôi.



Chú quỷ đỏ vui nhộn Elmo thì đã quá đỗi quen thuộc với Lem. Còn Abby Cadabby là ai vậy nhỉ? Lúc đầu mẹ cứ nhầm Abby là Zoe. Về sau mẹ mới có dịp tìm hiểu, cô bé trong bộ váy cô tiên xinh xắn này mới gia nhập gia đình Sesame Street gần đây, và mới có ba tuổi thôi. Tuy nhiên, với Lem thì tất cả những danh tính và xuất xứ đều hầu như không quan trọng lắm. Chỉ cần thấy một vòng tay thân thiện mở rộng của các bạn là Lem sà vào ôm ngay được như đã quen thân từ lâu. Abby tinh ý lắm nhé. Ngay từ phút đầu gặp gỡ, bạn ấy đã chú ý ngay đến trang phục bướm tiên (dường như rất phù hợp cho cuộc gặp mặt này) của Lem, và lập tức ngỏ lời khen tặng một cách lịch sự.



Sau khu đồ chơi, mẹ và Lem quá bộ qua các gian hàng quần áo và mỹ phẩm (cho mẹ). Nhưng rốt cuộc, Lem và mẹ vẫn dành nhiều thời gian nhất ở gian hàng sách. Mẹ chọn mua cho Lem một tuyển tập sách về "Gia đình nhà To tướng" của Jill Murphy. Còn Lem tự chọn cho mình một bộ tranh tô màu treo tường về Winnie the Pooh và các bạn. Nhìn bộ tranh tô màu khá là chi tiết, mẹ còn đang cân nhắc về độ phù hợp với lứa tuổi của nó, thì Lem đã ra lời "cam đoan" với mẹ: "Con sẽ giữ gìn bộ tranh này cẩn thận. Một khi con đã bắt đầu tô màu, con sẽ tô màu bằng hết mới thôi ... Nếu như con tô màu mệt rồi thì con sẽ nghỉ, và để dành lúc khác tô tiếp. Nhất định con sẽ không bỏ dở ..." (Đến nay Lem đã tô được hai bức tranh rồi. Và Lem đã giữ đúng lời hứa của mình - Đã bắt đầu một công việc là nhất định phải hoàn thành nó ... sao cho kỳ được mới thôi!)

Thứ Hai, 12 tháng 5, 2008

Kết bạn

Sau khi nghe tâm sự của Lem về việc Isabel và Sophie không cho Lem tham gia trò chơi với các bạn*, cả tuần vừa rồi mẹ cứ suy nghĩ mãi. Tuy nhiên, khi mẹ nói chuyện với các cô giáo của Lem, các cô đều khuyên mẹ rằng đó là điều tự nhiên ở lứa tuổi của con. Theo các cô, việc lựa chọn bạn chơi của các con chỉ là nhất thời, thậm chí thay đổi từng theo từng thời điểm, và tuỳ từng trò chơi. Các cô còn nói thêm, rằng Lem là một đứa trẻ đặc biệt nhanh nhẹn và được các bạn quý mến (trộm vía!), nên mẹ hoàn toàn không có gì phải lo lắng liệu con có hoà đồng được với các bạn hay không.

Và điều này đã được khẳng định bằng thực tế chiều nay. Lúc mẹ tới đón Lem, Lem đang chơi cùng với một nhóm bạn. Thấy mẹ, Lem chạy đến gần để chào, lập tức Isabel và Daisy lại cũng ùa đến theo. Isabel quyến luyến không muốn để Lem về, lẳng lặng cầm tay Lem đặt vào tay mình, rồi nắm tay rủ Lem quay lại với trò chơi đang bỏ dở. Mẹ vào trong lớp để ký sổ điểm danh, khi trở ra đã thấy Lem dẫn đầu các bạn đứng chắn ở cổng ra vào. Từ xa, mẹ thấy Lem đang ra câu đố cho một phụ huynh (sau này mẹ mới biết là mẹ của James) - giải được câu đố đó thì các bạn mới tránh đường cho ra về. Câu đố là, hãy đoán tên loài vật qua mô tả. Khi được Lem gợi ý chữ đầu của tên loài vật trong câu đố, mẹ bạn James mới đoán đúng đáp án. Lập tức, các bạn đứng sang một bên để tránh đường. Mẹ để ý thấy Isabel rất thích đứng cạnh Lem. Thậm chí sau khi hàng ngũ bị xáo trộn, Isabel đã đẩy một bạn trai sang một bên để dành lấy vị trí "bên cạnh Lem" của mình.

Mẹ cũng được Lem ra một câu đố:

- Mẹ phải đoán được thì mới được đi qua nhé. Con vật này bắt đầu bằng chữ R.

- Nó có màu gì thế?

Lem nhanh nhảu, trong khi Isabel và các bạn khác quan sát một cách chăm chú:

- Màu nâu và màu trắng.

Câu đố khó ra phết. Mẹ hỏi thêm:

- Con này có mấy chân?

- Bốn chân.

Mẹ vẫn chưa nghĩ ra. Trời đã xẩm tối, lại lạnh thấu, nên mẹ chẳng tập trung được. Thấy mẹ cắn môi suy nghĩ, Lem liền gợi ý thêm:

- Con này có đôi tai dài, và còn có một cái đuôi ngắn, bông xù, nữa.

À, cảm ơn gợi ý của Lem nhé. Mẹ đoán ra rồi đấy:

- Đó là con thỏ (rabbit) chứ gì.

Lem cười hóm hỉnh. Các bạn tỏ vẻ đồng tình, và không ai bảo ai, lần lượt đứng sang một bên để mẹ và Lem ra về.

Cánh cổng đã khép lại sau lưng, Lem và các bạn vẫn còn mải mê chào tạm biệt nhau. Sophie và Isabel cứ vẫy theo Lem mãi.

***

Buổi tối, Lem rủ mẹ lấy cuốn sách "Thế nào là bạn tốt?" ra ngâm cứu. Có vẻ như Lem đã tìm thấy mối liên hệ giữa sách vở và thực tế, nên thích thú đưa sách ra để đối chiếu với kinh nghiệm của mình.

James Bryce** từng nói thế này, "Giá trị của một cuốn sách là ở chỗ con đã tích lũy được những gì từ nó." ("The worth of a book is to be measured by what you can carry away from it.")

Còn Henry David Thoreau*** thì cho rằng, "A truly good book teaches me better than to read it. I must soon lay it down, and commence living on its hint... What I began by reading, I must finish by acting."

*Xem bài "Những điều giản dị"
**(1838-1922) Luật gia, Sử gia, Chính trị gia người Anh
***(1817-1862) Triết gia người Mỹ

Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2008

Mother's Day Weekend

Cả nhà có lẽ không ai bảo ai nhưng đều mong đợi đến chiều thứ Bảy, để cùng nhau dạo chơi rừng, cho đàn vịt trời ăn những khoanh bánh mỳ cũ được để dành suốt tuần, hay chạy thể dục vài vòng qua chiếc cầu cũ kỹ bắc ngang sông trong công viên Yarra Bend Park.

Tối thứ Bảy, cả nhà đi ăn tối nhân dịp Ngày của Mẹ tại Smorgy's - tiệm ăn tự chọn ("All you can eat") nổi tiếng với một loạt nhiều cơ sở khác nhau ở khắp Melbourne. Lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng mẹ ăn ở đây là khoảng hơn 11 năm về trước (!) - Mới thấy thời gian trôi nhanh biết chừng nào! Hôm nay, khách mời đặc biệt của gia đình mình là chị gái một người bạn thân của bố. Bác ấy đang theo học một lớp tiếng Anh ngắn hạn ở Melbourne. Bác có hai người con gái, một người đang theo học ngày Mỹ thuật còn người kia thì có năng khiếu về âm nhạc. Mẹ nói đùa với bác, giá mà Lem ở Việt Nam thì mẹ cho Lem đến nhà bác bán trú để học vẽ và học đàn luôn đấy.

Sáng Chủ nhật, Lem hồi hộp đem tặng mẹ các món quà mà Lem đã được cô giáo hướng dẫn chuẩn bị từ mấy hôm trước (Lem nhất định không đưa quà cho mẹ trước và luôn dặn mẹ phải coi như là món quà đã được giữ bí mật). Nhờ đã được cô giáo giới thiệu trên lớp về ý nghĩa Ngày của Mẹ, Lem tỏ ra rất hiểu, đợi đến đúng ngày mới trịnh trọng trao quà. Khi mẹ quỳ xuống bên Lem để nhận quà, Lem liền ôm ấy mẹ thật chặt, nói lời chúc mừng và cũng không quên nói lời yêu mẹ nữa chứ. Con gái của mẹ đã ra dáng lắm rồi đấy!

Cuối cùng thì buổi liên hoan mừng sinh nhật em Na cũng đến. Công việc thú vị nhất đối với Lem luôn là tìm chọn mua cho bạn một món quà ý nghĩa, và viết lời chúc mừng lên thiếp sinh nhật. Lem hoàn thành những công việc này cho bé Na một cách nhanh nhẹn. Xong xuôi, Lem cùng mẹ lựa chọn áo váy để đến dự tiệc.



Hôm nay, Lem hoá thân làm một nàng tiên bướm trong bộ áo váy mà ông già No-en đã tặng cho Lem (để Lem mặc vào bữa tiệc sinh nhật năm ngoái của mình). Bé Na làm mẹ nhớ lại hình ảnh của Lem hồi con hai tuổi. Cũng bụ bẫm, hay quan sát và lắng nghe, nhưng ít nói, và thích màu hồng. Lem đã có một bữa tiệc rất vui vẻ.



Ở tiệc sinh nhật Lem còn gặp anh Tuấn và em Ryan nữa. Riêng hai chị em Lem-Na thì chơi với nhau một cách say sưa, trước khi ra về còn không quên trao nhau những vòng tay âu yếm.

Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2008

Ngày ABC

Một thứ Sáu nữa lại đến. Như thường lệ, Lem rất hào hứng khi được trở về Nhà trẻ, và lúc nào cũng vậy, cô bé Sarah dẫn đầu một nhóm bạn chạy ra đón Lem ở cửa lớp một cách trìu mến.

Vì những lý do bất khả kháng, Lem có một cuộc hẹn với nha sĩ vào đúng ngày hôm nay. Mẹ không muốn phải rút ngắn "ngày ABC" của con một chút nào, nhưng đành phải miễn cưỡng thông báo với Lem về việc mẹ sẽ đón Lem sớm. Đúng như dự đoán của mẹ, Lem từ chối không muốn về sớm, không những thế còn yêu cầu mẹ đến đón Lem muộn nhất lớp để Lem ở với các bạn được lâu hơn. Mẹ thông cảm với con gái lắm, nhưng sau một hồi giải thích thì Lem cũng đồng ý sẽ về sớm với mẹ. Kết quả là, lúc mẹ đến đón, cô hiệu trưởng hồ hởi đón mẹ ở hành lang để báo cáo: "Em chưa thấy bé nào mà lại phấn khởi khi sắp được đi nha sĩ đến như Lem, chị ạ."

Lúc mẹ đến, Lem đang ngồi ở bàn chơi xếp hình cùng với Sarah và Seren. Có vẻ bé nào cũng rất bận rộn với các trò chơi của mình. Thật đáng yêu khi nhìn thấy các bé gái thì quây quần chơi ở bàn le-go còn mấy bé trai thì bận rộn với những nồi niêu, chén bát ... ở góc nấu bếp. Lem mặc áo khoác, lần lượt chia tay từng bạn, và tất nhiên không thể quên chào tạm biệt Wil :) Wil đang cắm cúi ở góc vẽ. Lem đến bên người bạn thân, chưa vội nói "Good bye", mà khúc khích trêu đùa: "Wil, cậu có biết Ella không?" (Ella là một bé gái vừa mới được chuyển vào học cùng lớp với Lem và Wil). Wil ôm đầu, tiếp tục vẽ lên giấy những hình người tròn xoe ngộ nghĩnh và giống hệt nhau. Lem nhắc lại câu hỏi, vừa ghé sát vào Wil vừa hơi khẽ dùng tay đẩy Wil quay mặt về phía mình để gây sự chú ý. Lần này thì Wil bắt đầu chú ý đến Lem. Wil nhìn Lem vẻ dò hỏi: "Ella á?" Lem hóm hỉnh: "Hmm ... Ella là con cá vàng của tớ đấy!" Con cũng hài hước ra phết nhỉ!? Hai bạn tạm biệt nhau. Lem kết thúc một tuần học như vậy đấy.

Chia tay các bạn, Lem và mẹ đi thẳng tới phòng khám răng. Lem phải hàn một cái răng hàm mới chớm sâu. Vết sâu chỉ là một chấm nhỏ tí xíu trên răng, chỉ có nha sỹ khi kiểm tra bằng dụng cụ nha khoa mới biết chứ mắt thường khó mà nhìn thấy được. Theo như nha sỹ tư vấn, mẹ và Lem có thể lựa chọn hoặc hàn hoặc để mặc nó. Mẹ chọn cách hàn để bảo vệ răng của con khỏi bị sâu thêm. Nhìn chỉ một chút men răng trắng tinh của con bị tán thành bột - khi nha sỹ dùng máy khoan khoan rộng vết sâu để tạo mối hàn - mà mẹ cứ xót xa vì tiếc cho chiếc răng vốn nguyên vẹn của con. Hi vọng là mẹ đã quyết định đúng, con nhỉ.

***

Mẹ có thói quen hay hỏi con hôm nay con làm gì ở trường và có vẽ được bức tranh nào không. Nếu việc hỏi han "công việc" của con ở trường sau một ngày dài là một điều cần thiết, nếu không nói là rất quan trọng, thì việc đánh giá một ngày của con qua việc con vẽ được mấy bức tranh lại có vẻ không hợp lý cho lắm. Mẹ ghi nhớ điều này để sau này mẹ không hỏi con những câu hỏi tương tự như vậy nữa. Từ một bài thơ được dán ở cửa lớp của Lem như một thông điệp, mẹ lại tự nhắc mình rằng, con không chỉ học khi ngồi tại bàn với giấy và bút, mà con còn lớn lên với những giờ chơi với cát ngoài trời, với những điệu ru du dương vào giờ nghỉ trưa, và quan trọng hơn cả là những giây phút trong sáng bên bạn bè cùng lứa.

Lem ngày càng đặt nhiều câu hỏi cho mẹ hơn và thể hiện một cách rõ rệt sự tò mò và ham muốn tìm hiểu về thế giới xung quanh (Làm cho mẹ luôn luôn ở trong trạng thái lo ngại mình không đủ kiến thức để thoả mãn sự tìm tòi của con!) Lem thắc mắc về những từ mới mà mẹ dùng khi nói chuỵện với Lem, và luôn luôn muốn mẹ phải giải thích thật cặn kẽ ý nghĩa của các từ đó. Lem không hề bị thuyết phục khi mẹ cứ trầm trồ trước vẻ đẹp của mùa thu, khi mỗi ngày qua đi cảnh vật lại như được quét thêm một lớp sơn vàng mới. Lý luận của Lem là, trong khi nhiều cây cối đổ lá vàng thì vẫn có rất nhiều cây bốn mùa xanh lá. Khi mẹ giải thích cho Lem về sự tồn tại của nhiều loại thực vật khác nhau, Lem chỉ kết luận một câu: "Giống như hoa cũng có nhiều loại khác nhau, mẹ nhỉ." Còn hôm qua khi ở trong nhà tắm, Lem đột nhiên bảo mẹ: "Giấy vệ sinh ở trường Mẫu giáo không được mềm như [giấy nhà mình] mẹ ạ. Con dùng giấy ở trường cảm giác không được dễ chịu lắm." Một chi tiết nho nhỏ nhưng mẹ rất muốn viết về nó cho con. Mẹ thật là "tẩn mẩn" phải không con!?

***

Tối thứ Sáu, mẹ nhắc Lem lên kế hoạch cho ngày cuối tuần và Lem rất vui vẻ làm theo. Chúc ngày cuối tuần vui vẻ nhé con!

Thứ Hai, 5 tháng 5, 2008

Những điều giản dị

Chiều hôm nay, mẹ đi đón Lem, nhưng không vội vã về nhà và "lao" vào bếp như thường lệ, mà đưa Lem rong ruổi thẳng ra bờ biển. Thực ra, Lem và mẹ đang chỉ thực hiện kế hoạch đã vạch sẵn từ hôm Chủ nhật mà thôi. Chiều qua, cả nhà đã lên kế hoạch đi biển, nhưng thật tiếc là đã không dự tính về giải bóng đá sắp diễn ra ở sân vận động MCG. Vì sân MCG nằm ngay trên trục đường chính nên mỗi khi một trận đá bóng kết thúc, giao thông lại trở nên tắc nghẽn nghiêm trọng. Xem ra việc chờ đợi thông đường quá tốn kém thời gian, nên chập tối qua, bố mẹ, Lem và dì Hương đã lên đường lại phải quay về. Thay vì tỏ thái độ nuối tiếc (như một thói quen không tốt của mẹ!), Lem đã chủ động hẹn mẹ ra biển vào chiều nay. Mẹ đã đồng ý ngay, hẹn bố về sớm và tự nấu cơm tối. Còn bố xem ra rất vui vẻ khi được giao nhiệm vụ này.

Từ trường Mẫu giáo của Lem ra tới bãi biển St Kilda mất chừng ba mươi phút. Hai mẹ con tranh thủ thời gian rảnh rỗi trên xe, thong thả nói chuyện. Hôm nay Lem có khá nhiều tâm sự nhé.

- Mẹ ơi, hôm nay con chơi với Daisy, nhưng khi ra vận động ngoài trời thì Daisy lại không chơi với con nữa mẹ ạ.

Rất ít khi được nghe Lem kể về những điều không dễ chịu ở lớp, mẹ bỗng cảm thấy hơi bối rối khi nói về việc này. Mẹ hỏi thêm để dò đoán cảm giác của con:

- Vậy con có chơi với bạn nào khác không?

- Isabel và Sophie cũng không chơi với con. Con cũng muốn chơi trò bố mẹ nhưng các bạn ấy không cho.

- Thế con có kiếm thử trò nào đó để chơi một mình tạm một lúc không?

- Có ạ. Con ra chơi xà đơn. Nhưng chơi một mình chán lắm.

- Nếu chán xà đơn thì con có thể ra ngồi với cô giáo và nói chuyện với cô một lúc vậy.

Lem "lý luận":

- Nhưng mà Melinda là cô giáo, chứ không phải là bạn. Con thích chơi với các bạn cơ.

Biết nói thế nào để con hiểu rằng, ở tuổi này, các con vẫn chưa biết cách chơi theo nhóm một cách thuần thục, nên việc các bạn nhỏ lúc thân với bạn này, lúc thân với bạn khác là điều đương nhiên. Hơn nữa, Lem lại là bạn mới ở lớp, thậm chí có nhiều bạn Lem còn mới chỉ gặp vài lần, nên cũng dễ hiểu vì sao các bạn lại gặp nhiều bỡ ngỡ khi chơi với nhau. Mẹ giải thích (một cách gượng ép vì không biết nói thế nào hơn):

- Con và các bạn mới quen nhau nên còn nhiều điều chưa biết về nhau, chưa thân thiết với nhau ngay được. Con cho các bạn một thời gian nữa. Trước hết, con hãy cứ là một người bạn tốt, biết nhường nhịn và hoà đồng với mọi người, rồi các bạn sẽ sớm thân với con thôi mà. Hôm nay các bạn chưa rủ con chơi cùng, nhưng có thể ngày mai sẽ khác. Ngoài ra, con có thể tự mình nghĩ ra một trò chơi nào đó thật thú vị, nhất định các bạn sẽ muốn chơi thử trò của con cho mà xem. Hoặc hãy theo dõi xem các bạn còn thiếu gì trong trò chơi của mình, rồi con giúp đỡ hoặc đóng góp ý tưởng cho các bạn.

Mẹ nói dài dòng như vậy, không rõ Lem có hiểu không. Chỉ thấy Lem nhắc mẹ:

- Thôi, mình đừng nói chuyện ở trường nữa đi mẹ!

***

Dạo chơi vào một tối đầu tuần thật thú vị. Bãi biển vắng tanh. Chỉ có mặt biển tối thui và tiếng sóng vỗ oàm oạp vào bờ cát và vào các mỏm đá. Chiếc cầu gỗ dẫn ra biển đứng trơ trọi trong làn ánh sáng mờ mờ hắt ra từ mấy cột đèn cổ kính.

Lem đang ngủ gà ngủ gật ở ghế sau, nghe mẹ khẽ nói "Đến nơi rồi!", liền choàng dậy và lập tức tỉnh "như sáo". Ngồi trên xe đẩy, Lem cẩn thận dặn mẹ rảo bước nhanh, nhưng không được chạy. Lem giảng giải - "Nếu mẹ chạy thì gió quất vào người sẽ rất lạnh, còn nếu mẹ muốn ấm người thì hãy đi thật nhanh!".

Mẹ khoan khoái hít sâu vào lồng ngực không khí mát lạnh của biển, kín đáo tận hưởng giây phút tản bộ giữa một không gian thoáng đãng và không gợn chút ưu phiền. Đã lâu rồi hai mẹ con mới có những giây phút riêng tư như thế này (!) Riêng Lem thì có lẽ đang rất háo hức để đi xem chim cánh cụt. Mẹ nhủ nhầm, nếu mùa này không phải là mùa chim về, không thấy đàn cánh cụt mà mình mong đợi, sợ rằng Lem sẽ buồn lắm. Nhưng rõ ràng là mẹ chỉ lo lắng hão huyền. Vừa bước chân lên cầu, Lem đã tự giao hẹn với mẹ một cách vui vẻ - "Mẹ ơi, nếu không có chim cánh cụt thì mình sẽ về ngay lập tức mẹ nhé."

Đàn cánh cụt cũng đã không phụ lòng mẹ con mình, đã thế lại về rất đông và không ngại xuất đầu lộ diện để gặp gỡ với Lem. Tiếng cánh cụt gọi bầy kêu râm ran khắp hai bờ đá. Lem phân biệt, tiếng kêu to là của chim bố và chim mẹ gọi nhau, còn tiếng kêu nhỏ là của chim con gọi chim mẹ đấy. Lác đác có vài gia đình cũng đang say sưa với cái thú vui giản dị mà không nhàm chán này. Thấy Lem rất bạo dạn và ra vẻ thích thú thật sự đối với các hoạt động leo trèo mỏm đá, đu bám thành cầu ... để tìm chim cánh cụt, một bác gái đã tình nguyện làm người hướng dẫn cho Lem. Cứ thấy một chú chim cánh cụt ló đầu ra khỏi hốc đá là bác ấy gọi Lem ngay. Bác hồ hởi nhận xét với mẹ: "Con gái thật là say mê quá!" (Nguyên văn, "She is so delightful, isn't she?")

Lem tính nhẩm ra rằng, tổng cộng mình đã xem được chín chú chim cánh cụt cả thảy. Chú nào cũng mũm mĩm và dạn dĩ, không có vẻ gì là sợ khách tham quan. Có chú còn dám trèo lên một mỏm đá sát mặt đường, Lem chỉ cần với tay là chạm được vào lưng (mặc dù Lem đã không làm như thế).

Trên đường quay trở ra, Lem có vẻ rất mãn nguyện, hứng chí đếm một mạch đến con số hơn một trăm. Đến một trăm lẻ chín, thay vì đếm đến một trăm mười, thì Lem đếm hai trăm luôn. Thêm vào đó, thỉnh thoảng Lem vẫn còn phải nhờ mẹ nhắc, sau mười bốn là mười lăm chứ không phải mười sáu, đấy nhé! "Dù mình chỉ thấy có chín con, nhưng đàn cánh cụt có lẽ phải đông đến hai trăm con ấy nhỉ" - Lem nhận xét.

Lem kêu đói. Hai mẹ con liền ghé vào "Enjoy the Beach" để sưởi ấm và tiếp năng lượng. Lem uống hết một cốc sữa ấm và ăn hết một đĩa mỳ bolognaise một cách ngon lành. Mẹ tranh thủ lướt qua một cuốn họa báo và uống một cốc nước hoa quả ép. Mẹ không ăn vì trước đó bố đã kịp gọi điện để nhắn rằng bố đã nấu cơm xong và đang chờ mẹ con về.

Về đến nhà, cả hai mẹ con đều cảm thấy sảng khoái hẳn lên. Lem ăn tráng miệng, xem ké với bố mẹ tập phim truyền hình người lớn "Desperate Housewives" (!), không quên dùng bút sáp tô màu hoàn chỉnh một bức tranh còn để trắng trên bàn học, rồi lên giường đi ngủ. Lem hiểu rằng nếu không đi ngủ sớm là sáng hôm sau sẽ đi học muộn, nên thường không cãi mẹ để thức khuya bao giờ.

***

Nhìn con ngủ say mà lòng mẹ như dịu lại. Lúc này con đang mơ thấy gì?

Một ngày của Lem bao giờ cũng nhiều sự kiện, và có vẻ lúc nào Lem cũng nghĩ ra cái gì đó để chơi. Ở nhà thì nặn đất, xây nhà (cubby house) bằng chăn, gối, vẽ, tô màu, đọc sách, tập viết, nhảy múa, đóng kịch một mình (dạo này Lem thường thích nhập vai một con vật đáng yêu nào đó), rồi lại xây nhà ... Ra ngoài thì đi xe đạp, chơi đu, thăm cây cối chim muông ... Mẹ chợt nghĩ đến câu danh ngôn của Camille Pissarro* - "Blessed are they who see beautiful things in humble places where other people see nothing" .

À hôm nay, em cá vàng Ella đã bắt đầu ăn rồi đấy - em ăn hai miếng thức ăn một lúc, cho hôm nay và cả hôm qua nữa.

Chúc con ngủ ngon và mơ thấy những giấc mơ đẹp nhé.

*(1830-1903) Họa sỹ/Triết gia người Pháp

Chủ Nhật, 4 tháng 5, 2008

Ella

Hôm nay, gia đình mình chào đón thành viên mới - Ella.

Ella là một chú cá vàng, thật là vàng. Mới về nhà nên Ella còn rất là nhút nhát, không chịu ăn mà cũng chẳng chịu bơi.

Hi vọng chị Lem sẽ dành cho Ella thật nhiều tình thương nhé./.

Tiếng hát con tàu - CHẾ LAN VIÊN

Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc
Khi lòng ta đã hoá những con tàu
Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát
Tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu.

Con tàu này lên Tây Bắc anh đi chăng?
Bạn bè đi xa anh giữ trời Hà Nội
Anh có nghe gió ngàn đang rú gọi
Ngoài cửa ô? Tàu đói những vầng trăng.

Đất nước mênh mông, đời anh nhỏ hẹp
Tàu gọi anh đi, sao chửa ra đi?
Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép
Tâm hồn anh chờ gặp anh trên kia.

Trên Tây Bắc! Ôi mười năm Tây Bắc
Xứ thiêng liêng rừng núi đã anh hùng
Nơi máu rỏ tâm hồn ta thấm đất
Nay rạt rào đã chín trái đầu xuân.

Ơi kháng chiến! Mười năm qua như ngọn lửa
Nghìn năm sau, còn đủ sức soi đường,
Con đã đi nhưng con cần vượt nữa
Cho con về gặp lại mẹ yêu thương.

Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa,
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa.

Con nhớ anh con, người anh du kích
Chiếc áo nâu anh mặc đêm công đồn
Chiếc áo nâu suốt một đời vá rách
Đêm cuối cùng anh cởi lại cho con.

Con nhớ em con, thằng em liên lạc
Rừng thưa em băng, rừng rậm em chờ
Sáng bản Na, chiều em qua bản Bắc
Mười năm tròn! Chưa mất một phong thư.

Con nhớ mế! Lửa hồng soi tóc bạc
Năm con đau, mế thức một mùa dài.
Con với mế không phải hòn máu cắt
Nhưng trọn đời con nhớ mế ơn nuôi.

Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ
Nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương?
Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất bỗng hoá tâm hồn!

Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét
Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng,
Như xuân đến chim rừng lông trở biếc
Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương.

Anh nắm tay em cuối mùa chiến dịch
Vắt xôi nuôi quân em giấu giữa rừng,
Đất Tây Bắc tháng ngày không có lịch
Bữa xôi đầu còn toả nhớ mùi hương.

Đất nước gọi ta hay lòng ta gọi?
Tình em đang mong, tình mẹ đang chờ,
Tàu hãy vỗ giùm ta đôi cánh vội
Mắt ta thèm mái ngói đỏ trăm ga.

Mắt ta nhớ mắt người, tai ta nhớ tiếng
Mùa nhân dân giăng lúa chín rì rào
Rẽ người mà đi, vịn tay mà đến
Mặt đất nồng nhựa nóng của cần lao.

Nhựa nóng mười năm nhân dân máu đổ
Tây Bắc ơi, người là mẹ của hồn thơ,
Mười năm chiến tranh, vàng ta đau trong lửa,
Nay trở về, ta lấy lại vàng ta.

Lấy cả những cơn mơ! Ai bảo con tàu không mộng tưởng?
Mỗi đêm khuya không uống một vầng trăng,
Lòng ta cũng như tàu, ta cũng uống
Mặt hồng em trong suối lớn mùa xuân.

(Tập thơ Ánh sáng và Phù sa - Xuất bản năm 1960)

Thứ Sáu, 2 tháng 5, 2008

Bao giờ cho đến Thứ Sáu?

"Khi ta ­ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn!"*


Có lẽ nhiều thế hệ học sinh Việt Nam (trong đó có mẹ của Lem) không ai là không biết và ghi nhớ hai câu thơ trên. Có thể họ sẽ không nhớ hai câu thơ được trích từ đâu và nội dung của bài thơ là gì, nhưng đã rất nhiều người thuộc nằm lòng chúng và sử dụng nhiều lần trong các ghi chép và tâm sự của họ.

Viết về Ngày Thứ Sáu cho Lem, tự nhiên mẹ cũng nhớ đến hai câu thơ này.

Vậy, thứ Sáu thì có gì đặc biệt nhỉ? Thứ Sáu báo hiệu ngày nghỉ cuối tuần sắp đến. Tối thứ Sáu, Lem có thể đi ngủ muộn hơn thường ngày một chút vì sau đó là thứ Bảy, Lem không phải đi học sớm. Và thứ Sáu là ngày Lem được trở lại với Nhà trẻ ABC. Bởi vậy mà không có gì lạ khi Lem thường gọi ngày này là ngày "Ngày ABC". Lem đã gắn bó với nhà trẻ này được gần hai năm, từ hồi Lem mới từ Việt Nam trở lại Úc cơ mà.

***

Nhớ lại hồi mới đi nhà trẻ, Lem cũng phải mất vài ngày để làm quen với trường mới, nhưng không quá lâu. Các cô giáo ai cũng khen Lem làm quen nhanh với các nề nếp ở trường. Chẳng bao lâu sau đó, Lem đã có khá nhiều bạn thân. Cũng có thể Lem có tính cách khả ái, nhưng không loại trừ việc các bạn quá gắn bó với Lem do Lem đi nhà trẻ cả tuần nên có nhiều cơ hội gặp gỡ và chia sẻ với các bạn. Mẹ biết được điều này qua nhiều lần nhận được lời hỏi thăm từ các gia đình. Hôm thì bố Ashley bắt chuyện với mẹ:

- Chào chị. Chị là mẹ của Minh à. Ashley khoe với tôi, Minh là bạn thân nhất của Lem ở lớp đấy.

Có hôm, mẹ Wil giữ tay mẹ lại và bảo:

- Đây là Minh phải không? Mình về nhà hỏi Wil, ai là người học giỏi nhất lớp con, thì nghe cháu nói, Minh học giỏi nhất. (Trộm vía!)

Mẹ của Luke, Hannah và Sarah cũng thường làm quen với mẹ qua việc hỏi thăm về Lem như vậy.

***

Đó là chuyện của một năm về trước. Còn bây giờ, các con đã thật sự trở thành bạn thân. Thậm chí sau khi chuyển sang Mẫu giáo lớn, Lem vẫn đếm từng ngày cho đến Ngày ABC, để được trở lại trường cũ.

Thứ Ba, trên đường đi học, Lem cùng đếm với mẹ, còn ba đêm nữa (three more sleeps) thì đến Ngày ABC.

Sáng nay, tỉnh dậy, Lem vừa ngạc nhiên vừa sung sướng khi được mẹ cho biết, hôm nay đã là thứ Sáu. Thời gian trôi thật nhanh phải không con? Khi đã tỉnh ngủ và hiểu ra rằng ba đêm đã trôi qua, Lem liền thẽ thọt đề nghị với mẹ:

- Hôm nay con sẽ mặc váy mẹ nhé.

Nói xong, Lem vùng dậy và nhanh nhẹn chuẩn bị váy áo để chuẩn bị tới trường.

Vì thứ Sáu tuần trước là ngày nghỉ lễ, nên tính ra đã nửa tháng rồi Lem mới đi lại trên con đường đi học thân quen này. Cảnh vật bình thường sao hôm nay bỗng trở nên thân thương đến lạ. Đến nơi, nhìn qua cửa kính của lớp, mẹ thấy các bạn đang ngồi ngay ngắn trên thảm, ngoan ngoãn chờ tới lượt được bôi kem chống nắng để chuẩn bị ra sân chơi. Hôm nay là một ngày nắng hiếm hoi sau những đợt mưa thu. Mẹ khẽ đẩy cánh cửa. Thật bất ngờ, cửa vừa hé ra thì Sarah, đang ngồi quanh lưng lại phía cửa, bỗng quay ngoắt lại và kêu toáng lên:

- Minh! Minh!

Tiếng kêu của cô bé báo hiệu cho cả lớp (trừ cô giáo) về sự có mặt của Lem. Lập tức, không bạn nào bảo bạn nào, các bạn liền chạy ùa ra phía cửa đón Lem, nhao nhao gọi tên Lem một cách mừng rỡ. Sarah chạy đến bên Lem đầu tiên, mở rộng vòng tay định ôm chào Lem. Lem e lệ trước sự vồn vã của các bạn, nép vào người mẹ. Tuy nhiên, không để ý đến sự ngại ngùng của Lem, Sarah liền xoắng xở đỡ lấy ba-lô của Lem từ tay mẹ. Vincent đỡ hộ chiếc áo khoác của Lem. Hannah nhanh chóng tới bên và trao cho Lem một tấm thiếp, nói rành rọt:

- Đây là thiếp cảm ơn Lem đã đến dự sinh nhật của tớ.

Wil, cậu bé tóc vàng nghịch ngợm và được Lem rất cảm mến thì nhảy như choi choi và hùa theo các bạn, rối rít gọi tên Lem. Hieu, cậu bé có bố là người Việt và mẹ là người Hoa, hàng ngày rất ít nói và hay xấu hổ, hôm nay bỗng mạnh dạn và tình cảm lạ thường. Hieu lấy từ ba-lô của mình ra một quả trứng sô-cô-la màu hồng nhỏ xíu, đưa cho Lem. Hieu giải thích gì đó với mẹ, nhưng mẹ không hiểu lắm (một phần vì các con ồn ào quá!). Ngoài ra còn có hai em bé mà mẹ chưa biết tên cũng chạy ra đón Lem, bi bô bi bô, mắt sáng ngời.

Trừ một số bạn mới và các bạn nhỏ hơn vẫn ngồi yên vị trên sàn một cách thờ ơ, cả lớp gần như náo loạn. Cô Beth nói thế nào các bạn cũng không chịu ngồi xuống và giữ trật tự (Có vẻ các giáo viên ở đây không có kỹ năng "hò hét" trước một đám trẻ đông, vì thông thường các con rất tự lập và nề nếp, không đòi hỏi phải nói to. Chỉ trừ có hôm nay ...!)

Các bạn có vẻ nhớ Lem thực sự và rất hào hứng về sự có mặt của Lem. Lem cũng nhớ các bạn vô cùng, cho dù chỉ biết chẳng biết làm gì hơn là nép vào lòng mẹ. Lem ngập ngừng khoe với Sarah về món quà mà Lem tưởng tượng rằng mẹ sẽ mua cho Lem ...

Thông cảm với cô giáo vì sự ồn ào do Lem gián tiếp tạo ra, mẹ liền "ra tay". Mẹ gọi nhóm bạn thân lại gần, yêu cầu các bạn nắm lấy tay nhau và cả nhóm cùng ôm nhau một lần cho thỏa mãn. Sau đó, mẹ hướng dẫn các bạn xếp thành hàng một và chờ để cô hoàn thành nốt việc bôi kem chống nắng. Cuối cùng thì mọi việc cũng xong xuôi. Lem vừa đứng để cô bôi kem (quay lưng lại với mẹ) vừa chào tạm biệt để mẹ ra về.

Dường như vẫn chưa đủ, xếp hàng bôi kem xong, Lem và các bạn lại chạy ra vây quanh mẹ, đợi mẹ chào lần lượt từng bạn thì mới cho mẹ ra về.

Lòng mẹ thật là ấm áp khi nghĩ đến những tình cảm trong sáng và sớm thân thiết của các con.

***

Buổi tối, mẹ đang kể lại câu chuyện về Ngày ABC của Lem cho bố nghe thì được Lem thông báo, sáng nay cả lớp (theo như Lem nói là trừ Lem) đã bị cô Beth khiển trách vì tội không biết giữ gìn trật tự. Lem kể, cô bảo, nếu thấy bạn đến thì không được đứng lên mà chỉ ngồi tại chỗ và chào bạn một cách lịch sự mà thôi. Mẹ nghĩ cô cũng nói có lý. Vậy thì các con hãy cố gắng nhé!

* Trích bài thơ "Tiếng hát con tàu" của Chế Lan Viên

Thứ Năm, 1 tháng 5, 2008

Vận động

Đi học Mẫu giáo lớn được tròn một tháng, Lem đã có vẻ cứng cáp hơn. Một trong số các trò chơi hấp dẫn Lem nhất là trò nhào lộn với thanh xà đơn (cao vừa đúng tầm các bé Mẫu giáo). Ngoài ra, Lem đã biết tự đu rồi nhé. Trước kia, Lem rất thích chơi xích đu nhưng toàn nhờ bố mẹ đẩy, càng cao càng tốt. Có lẽ vì muốn đu cao nên Lem hơi "lười", không tập luyện để tự đu gì cả. Dù sao thì bây giờ, Lem đã có thể tự mình đu thật cao mà không cần ai giúp đỡ (có lẽ chỉ cần cú "hích" đầu tiên thôi!). Chúc mừng con nhé!!!

Mưa cho cây rừng thay lá

Ngày đầu tiên của tháng cuối cùng của mùa thu - còn tròn một tháng nữa - mà trời đã như sang đông rồi nhỉ. Như thường lệ, mẹ ngồi chải tóc cho Lem để chuẩn bị cho Lem tới lớp.

Hai mẹ con tranh thủ chút yên tĩnh của buổi mai để trò chuyện nhỏ to. Lem ngả vào lòng mẹ, như để tự chuẩn bị tinh thần cho mình trước khi bắt đầu một ngày mới ở trường Mẫu giáo lớn (Chả là mấy tuần vừa qua, vì chưa thực sự thân thiết với trường mới nên Lem còn đôi chút khó khăn khi chia tay mẹ vào mỗi sáng!) Lem kể cho mẹ nghe chuyện chia sẻ đồ chơi với các bạn, rằng hôm này sẽ tới lượt Lem chơi xích đu, vì ngày hôm qua Lem đã nhường cho hai bạn khác chơi. Hết chuyện bạn bè, mẹ chuyển chủ đề:

- Dạo này dì Hương hơi cáu kỉnh, con nhỉ!

Lem tỏ vẻ đồng tình:

- Vâng, dì Hương cáu kỉnh giống Cera - con khủng long Cera đó mẹ*.

- À, Cera - con khủng long ba sừng trong "Mảnh đất thời tiền sử" ấy à?

- Đúng rồi mẹ ạ.

Mẹ bị kích thích bởi sự liên tưởng thú vị của Lem, liền hỏi tiếp:

- Thế con nghĩ mẹ giống nhân vật nào trong phim?

Lem ra chiều suy nghĩ:

- Nhân vật nào thì tuyệt nhất nhỉ? (Nguyên văn: "Hmm...Which one is the best?"

Có vẻ vẫn chưa có câu trả lời, Lem nhìn mẹ dò hỏi:

- Mẹ thích mình giống nhân vật nào?

- Ồ, mẹ muốn để con nhận xét về mẹ chứ. Mẹ thích nhân vật nào thì có quan trọng gì đâu.

Lem hình như không chú ý lắm đến "lý luận" của mẹ, vì chừng đã tìm ra câu trả lời:

- Đúng rồi. Mẹ là Duckie nhé. Duckie là nhân vật tuyệt nhất, dễ thương nhất đấy!

Mẹ cảm động biết chừng nào khi Lem đã dành cho mẹ sự lựa chọn ý nghĩa như vậy. Mặc dù con không trực tiếp nói mẹ là người tuyệt vời nhất (trong mắt con), thì mẹ cũng biết được Lem nghĩ về mẹ như thế nào qua cuộc đối thoại này. Mẹ hào hứng hỏi thêm:

- Thế còn con, con là nhân vật nào?

Mắt Lem long lanh:

- Hmm ... Con là Little Foot nhé. Little Foot là con khủng long có cái cổ dài đó mẹ.

Mẹ đồng tình:

- Hay đấy. Mẹ thấy Little Foot còn rất tình cảm và sáng dạ nữa. (Nguyên văn: "Very good. I think Little Foot is very caring, and smart, too.")

Trong sáng và chân thành, Lem đứng vụt dậy và chạy ngay đi tìm bức tranh tô màu về Little Foot mà Lem đã hoàn thành từ rất lâu rồi, để khoe với mẹ cái cổ dài của chú khủng long con đáng yêu này. Có vẻ Lem không để ý đến lời nhận xét chủ quan của mẹ - chính đó cũng là một phẩm chất đáng yêu của con gái mẹ mà.

***

Cơn mưa rào báo hiệu mùa về. Hai mẹ con xúng xính khăn choàng, áo khoác và ô dù để lên đường. Lem không ngại mưa. Mưa không chỉ tạo thành những vũng nước trên mặt đường cho Lem dậm chân vào và làm nước bắn tung toé. Lem bảo, mưa to sẽ giúp rửa sạch xe (Do hôm qua hai mẹ con lái xe qua một công trường làm đường, những vết bùn vẫn còn bám dầy đặc trên sườn xe). Lần nào cũng vậy, mỗi khi trời mưa, Lem lại chiêm nghiệm: "Mưa làm cho cây cối tốt tươi và đơm hoa kết trái!". Phải rồi, thiên nhiên cũng như con người không thể sống mà thiếu nước, thiếu mưa. Bởi vậy mà vừa rồi, con mới có bài học về tiết kiệm nước trong giờ học về "Môi trường" ở lớp Mẫu giáo, đúng không nào?!

Tuần trước, Lem đã làm mẹ rất ngạc nhiên khi con chủ động nhắc mẹ khoá vòi nước sau khi rửa tay:

- Mẹ ơi, nếu mẹ dùng nhiều nước hơn mức cần thiết thì mẹ đang lãng phí nước đấy. Nếu rửa tay xong rồi thì mẹ hãy khoá vòi nước lại ngay đi.

Bài học này, mẹ con mình sẽ cùng ghi nhớ, nhé con yêu./.

* Mẹ phải chú thích một chút về việc nhận xét tính cách nhân vật của Lem. Cera là một cô khủng long con rất cá tính trong bộ phim hoạt hình "Mảnh đất thời tiền sử". Quả thực, trong phim, Cera rất hay cáu kỉnh và khá kiêu hãnh (nếu không nói là "kiêu ngạo"). Cera luôn là cô bé hay có ý kiến bất đồng và hay gây tranh cãi nhất trong nhóm năm bạn khủng long con. Nhưng không phải vì thế mà Cera không đáng yêu. Đối với Lem cũng vậy, Lem "hâm mộ" tất cả các bạn khủng long. Lem nhận xét về dì Hương như vậy vì Lem thấy có sự tương đồng về tính cách. Chứ với Lem, dì Hương vẫn luôn là một trong những người thân yêu nhất nhé!!!

Thứ Tư, 30 tháng 4, 2008

Những nét chữ đầu tiên

Mẹ cảm ơn con về những khoảnh khắc đáng yêu con dành cho mẹ. Có những giây phút ngắn ngủi thôi nhưng chứa đựng những câu chuyện dài và những tình cảm chứa chan.

Tuần trước, mẹ đi đón Lem. Vì buổi sáng khi chia tay mẹ, Lem đã khóc nhè, nên buổi chiều đến đón con, mẹ hồi hộp vì những nỗi băn khoăn không tên. Tới trường, mẹ nhìn qua cửa kính phòng học thì thấy Lem đang ngồi vẽ ở bàn. Như linh tính, Lem ngước lên. Vừa thấy mẹ, Lem liền nhoẻn miệng cười rất tươi và đưa tay vẫy vẫy. Lúc đó nhìn con "yêu" không thể tả được :) Nụ cười của con như một liều thuốc an thần vậy (mặc dù mẹ không đến nỗi phải dùng thuốc an thần - chỉ là ví von vậy thôi!). Nụ cười của con làm tan biến tất cả những lo lắng và nỗi mệt nhọc sau một ngày làm việc của mẹ. Thay vào đó là một cảm giác an lành và thư thái lạ thường...

Hôm qua, khi mẹ đến đón, Lem đã trao cho mẹ tờ giấy có viết ngay ngắn dòng chữ "Minh-LOVE-Tam". Lem còn mô tả thêm - "Con viết là "Con yêu mẹ" (có chia động từ khi nói). Và mẹ xem này, còn có những trái tim và chữ "YÊU" ở đây nữa". Vậy là ở trường con đã nghĩ đến mẹ và viết nên những dòng chữ này đây. Mẹ muốn kể lại, rằng Lem đã viết khá cứng cáp từ cuối năm ngoái, nhưng chủ yếu là, mẹ nói viết cái gì thì Lem viết cái đó. Gần đây, Lem bắt đầu tự viết nhiều hơn, nhưng chủ yếu là viết tên - tên những người trong gia đình và những người bạn thân, hoặc chép từ. Vậy thì, đây là lần đầu tiên Lem tự nghĩ ra và viết một câu có nghĩa mà không hề có sự hướng dẫn của mẹ thì phải. Cảm ơn con yêu nhiều nhé!


Sáng nay đi học, con cứ quyến luyến mẹ không muốn rời. Bao giờ cũng vậy, Lem nhất định phải làm xong các thủ tục như ôm mẹ, hôn má, hôn môi mẹ ... rồi mới nói lời tạm biệt. Hôm nay, cô giáo đã ra tận cửa đón Lem vào. Lem ngoan ngoãn nắm lấy tay cô - nhưng dường như chưa đủ, Lem vội nắm lấy tay mẹ và lén hôn lên đó. Ôi! Con gái vẫn còn thật bé bỏng làm sao ...

Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2008

Lung linh mùa thu

Mùa thu và nắng vàng



Quả sồi trắng


Vườn bách thảo của Lem và mẹ

Thứ Hai, 21 tháng 4, 2008

I hope you dance - LEE ANN WOMACK

I hope you dance

I hope you never lose your sense of wonder
You get your fill to eat
But always keep that hunger
...
I hope you still feel small
When you stand beside the ocean
Whenever one door closes, I hope one more opens
...
I hope you never fear those mountains in the distance
Never settle for the path of least resistance
Living might mean taking chances
But they're worth taking

Cùng mùa thu anh chờ - SONG DUY*

Thu vẫn chờ... nhìn chiếc lá rơi rơi
Vàng phai ấy có vơi niềm khắc khoải
Thêm chất chồng lớp rêu phong xa ngái
Người đi rồi có ngoái lại... mùa thu...

Thu vẫn chờ... chờ cơn gió phiêu du
Cho con phố lời ru mùa sữa ngọt
Người đi rồi con đường nâng niu gót
Nhớ đong đầy anh rót vào lòng anh

Thu vẫn chờ... thu dẫu có mong manh
Cùng mưa nữa mưa quanh về trên lối
Thì nơi đây phố vẫn luôn chờ đợi
Vẫn hết mình theo tiếng gọi con tim

Thu vẫn chờ... thu tím cả trời đêm
Anh con phố gọi tên em cơn gió
Vẫn đợi em bến lòng anh để ngỏ
Trái tim này luôn tỏ bóng hình em!

* Diễn đàn "Người Hà Nội"

Hương vị mùa thu* - BĂNG SƠN

Những người Hà Nội đang ở xa, khi thu về có một lúc nào để lòng mình nhớ nhung về nơi có mùa thu kỳ lạ? Tôi cảm nhận được ngọn gió heo may tràn ngập hồn mình khi liễu buồn buông lệ bên Hồ Gươm, khi có những người từ đâu không biết, đi rong phố phường bán từng lồng chim ngói, loài chim chỉ xuất hiện mỗi độ thu về...

Mùa trời lên cao, đất khô đi, cây tự nhuộm mình cho lá mang màu vàng đỏ, lòng người nhớ thương nhau, tìm tri âm tri kỷ, thanh tao thì uống một tách cà phê, dung tục thì đến quán mộc tồn... ấy là lúc có món đặc biệt: Cốm Vòng, chỉ mùa thu Hà Nội có và ngon đến thế.

Và cũng chỉ một làng cổ, huyện Từ Liêm cổ, quá cửa Ô Cầu Giấy mấy trăm bước chân, làng Dịch Vọng mới có thứ cốm vòng như thế. Ngay cách đấy ít làng, có làng Lũ cũng làm cốm, nhưng chỉ là món quà rẻ cho trẻ em, cứng và bệch bạc, dù đây là nơi chôn nhau cắt rốn của nhà thơ Nguyễn Siêu trong bốn chữ xưng tụng của người đời cùng với Cao Bá Quát "Thần Siêu, Thành Quát".

Cốm là quà không phải để ăn no. Ăn cốm là ăn mùa thu vào lòng, vào tâm khảm. Mùa thu Hà Nội trong veo như tâm hồn thiếu nữ, thanh sạch, mát dịu như không chút bụi trần, để con cá chép Lý Ngư cũng phải vượt Vũ Môn mong hóa thành rồng. Sáng bảng lảng sương, chiều dìu dịu nắng, đêm êm đềm ngọt ngào... trong không gian huyền thoại đắm say ấy, sớm sớm những chuyến tàu điện đầu tiên rẽ sương từ Ô Cầu Giấy vào Hàng Ðẫy, Hàng Bông, Bờ Hồ... có những bà, những cô hàng cốm xuống tàu, theo lối quen, tỏa hương thu vào mọi nẻọ.

Ít người cần rao. Ai cũng có khách quen, có khi quen đã mấy đời. Nếu là khách lạ cứ nhìn chiếc đòn gánh cong một đầu là biết. Ðòn gánh là cả gốc tre già, đánh lên cả gốc, chẻ đôi, dùng từ đời mẹ, sang đời con, nó như cái câu liêm, câu bầu trời xuống ủ cho mềm cốm. Hai bên thúng là từng lớp cốm xanh thoang thoảng hương lúa, mùi mùa phơi thóc, cốm nằm mơ màng trong từng lớp lá sen già đượm thứ hương hoa dâng hiến, hoặc lá khoai ráy xanh non, bóng như một thứ xa- tanh (satin) mát mịn. Dúm một dúm, đặt vào lòng bàn tay, ngửa cổ, thả nó vào đầu lưỡi, nó sẽ tan, sẽ ngấm, sẽ thì thầm thứ vị ngọt mềm của trời đất nước non, cả đầm sen ngan ngát, cả sóng lúa rì rào, cả màu mây lãng đãng... và mơ màng nhớ đến một suối tóc dài thơm hương bồ kết của ai đó đang ngồi giã cốm trong đêm trăng.

Ăn cốm là nhai từ từ, khoan thai, từng hạt ngọc xanh mà dẹt, mềm mà thơm, ngọt mà mát. Không thể ăn cốm mà xới vào bát rồi lùa như ăn bún, ăn phở. Người Hà Nội ăn riêng cốm, ăn một mình cốm để tận hưởng sắc màu, hương vị thanh thoát, tao nhã đúng là "ăn hương ăn hoa", ăn để mình cũng biến hình vào trời thu, hồn mình lãng du cùng non nước...

Cũng có người thích ăn cốm với hồng ngọc là thứ hồng đỏ, ngọt sắc cho hai màu tương phản, nâng đỡ âm dương, hoặc ăn cốm với chuối tiêu trứng cuốc, thứ chuối mà chỉ mùa thu mới vàng ươm dệt thêm từng đốm màu nâu vào vỏ để quyến rũ mắt nhìn và dâng hương cho mê tơi khứu giác, dù ăn như thế cốm phải hy sinh một phần hương sắc.

Người Hà Nội còn ăn chè cốm, cốm xào, chả cốm... nhưng bánh cốm thì cũng đã thành nghệ thuật. Bánh cốm Nguyễn Ninh đường Hàng Than, đã tiêu biểu cho nghệ thuật chế biến món ngon Hà Nội, thành tấm lòng thơm thảo của người con đi xa gửi về biếu mẹ cha luống tuổi, thành sự mừng vui của những ngày sêu Tết.

Cô hàng cốm xưa, đi chân đất, vấn vành khăn nâu, trên đầu đòn gánh cong, còn tòn ten chiếc chổi mới bện bằng rơm cốm.

Sau mấy chục mùa thu chinh chiến, nay đất nước lặng im tiếng súng, cốm vòng lại có mặt với miền Nam, mang theo gió thu Hà Nội, mang màu xanh và hương đất Bắc để hòa với mưa nắng của miền Nam.

Khi lúa nếp uốn câu chưa chín vàng, đã được tuốt mang về. Làng Dịch Vọng um tùm tre trúc, ngập tràn trăng sáng, đầy gió thu mát, điển hình cho làng quê Việt Nam như ca dao, như cổ tích. Trong gió và trăng ấy, thóc nếp được tuốt rồi được rang trên lửa củi, xong đem giã chày tay, rồi sàng, rồi giần quay quay nhè nhẹ êm êm... Lại giã, lại giần, sàng. Hàng chục lượt như thế, vỏ trấu bong ra, cái bổi tơi bời, hạt cốm dẹt mình, bắt đầu tỏa hương vào mùa tu làng xóm. Nó còn được hồ thêm chút lá lúa cho thêm xanh, cho đậm chất đã làm nên hạt lúa. Cuối cùng những hạt ngọc mềm ấy được nằm mơ ngủ say trong lá sen, lá ráy đã lau chùi thật sạch, chờ chuyến xe điện đầu tiên, lên đường vào phố. Tháng tám qua làng Vòng sẽ nghe được nhịp gõ, bộ gõ tiết tấu to nhỏ gần xa, vang vang và trầm đục, tiếng loạt xoạt của rơm xanh, tiếng rì rầm của tay sàn sảy...

Cốm không thể ăn nhiều. Cô hàng cốm cũng không gánh đi nhiều, không lặc lè như cô hàng gạo, hàng rau. Và cốm cũng không thể làm nhiều như sản phẩm bằng lúa nếp khác.

Cốm là hạt lúa nếp nhưng đã thành kiếp khác. Nó là tinh hoa, là tài tình, cũng chẳng giống bánh chưng bánh dầy... nó là sáng tạo đã ngàn đời, từ nguyên thủy đến trường tồn dân tộc?

Nhiều năm cốm tưởng chừng bị mai một. May thay, mùa thu vẫn xanh cùng đất nước, cốm lại được sinh thành, hồi xuân, lại tái hồi cho lòng người nguôi ngoai thương nhớ.

Bạn phương trời, bao mùa xa vắng! Hà Nội lại gởi lá thư xanh bằng gói cốm lá sen cho bạn đây, một chút "thời trân", một câu thơ lục bát bằng hương và vị... Hãy nhận lấy bạn ơi, để nhớ về một mùa thu Hà Nội đầy mỹ cảm...

* Đăng trên www.luongsonbac.com

Mùa thu Hà Nội* - BĂNG SƠN


Sen Hồ Tây chưa tàn nhưng nắng đã mật ong. Gió thì thầm khiến nước Hồ Gươm rùng mình trong xao xuyến, phải gợn lên niềm tri âm. Sáng ra, ta đợi một ngày bất chợt nắng lạnh ra sao thì vẫn cứ là gặp thu gõ vào khung cửa sổ cho ta biết có một mùa mới đang về… có thể còn ngập ngừng trên lưng chừng Tam Đảo, có thể còn nơi biên giới Lạng Sơn, Cao Bằng, rong du cùng sông Kỳ Cùng, sông Nho Quế, sông Bằng Giang hay đỉnh Hoàng Liên… mà cũng có thể thu về đến nơi con trâu vàng đang nằm nghỉ nghe tiếng nghé gọi mẹ, nhưng trâu không lồng lên nữa mà nhẩn nha nhai lại những con sóng biếc nghìn năm, nghe lại nhịp chày giã vỏ dó làng Yên Thái, ngắm con tàu xanh không bao giờ đắm mang tên Cố Ngự - Cổ Ngư - Thanh niên và bắt gặp những chiếc thoi thuyền lao đi, chở nặng tình yêu trai gái, những lá buồm mong manh như hư ảo, mà chắc trong số đó, có một lá buồm vô định chở hồn một người 32 tuổi, chứa chan yêu Hà Nội, đã hoá thân vào sóng nước Tây Hồ từ ngôi nhà ven bờ có cây liễu thướt tha nhạy cảm như hồn người đó. Hồn người tạc ra nét “Băm sáu phố phường” bằng câu, bằng chữ, nhưng trước hết bằng tâm tưởng, bằng tha thiết thương yêu. Đó là Thạch Lam, người ra đi năm 1942 từ làng Yên Phụ, bên bờ ao Vả, nhưng hồn không tan, cứ phiêu diêu trong triệu hồn người Hà Nội…

Thật sự thì thu đã về rồi khi ta nhớ về mùa Cách mạng. Cô hàng cốm đã quen thuộc mấy trăm năm, đi vào từng phố, bán những viên ngọc lưu ly, thơm như hương trinh nữ, mềm như mây chiều và thơm mát như lời tỏ tình đầu tiên trong hương hoa hoàng lan chỉ thức lên khi lòng ta ngập tràn âu yếm.

Trịnh viết bài Thu Hà Nội, với cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ… chưa phải lúc này. Phố Tràng Thi, đường Quán Thánh bàng vẫn mướt xanh từng chiếc là hình cây quạt ba tiêu để che đi những chùm quả chín, quả bàng mỡ, bàng đào, vừa chát, vừa ngọt, đậm tuổi học trò, ăn xong còn cầm hòn gạch vỡ đập hạt khêu nhân, có khi là phải ăn hàng triệu quả mới no, nhưng bao thế hệ người Hà Nội đã cùng ăn như thế, ăn để cho thích, ăn để cho nhớ, ăn để hoá mình vào thu, ăn để nhìn vào mắt nhau và hoài niệm đến kiếp sau…

Hàng cây cơm nguội trên đê Yên Phụ, lối rẽ xuống khách sạn Cu Ba xây dựng cho ta mang tên Thắng Lợi, đã có một thời đứng như cọc tiêu màu xanh, đi vào hội hoạ và nhiếp ảnh. Cây đã qua tuổi dậy thì, đã vào thu đời mình cho những thu Hà Nội, kiên cường vượt qua thách thức. Phố Lý Thường Kiệt cũng là phố cây cơm nguội, nhưng một chút phôi pha, đã xen vào đây là phượng vĩ, xà cừ vì qua mùa tươi non, cây cơm nguội chịu nhiều vất vả với nắng mưa tơi tả. Cũng không sao. Hà Nội có những loài cây mang tên Hà Nội, mang dáng Hà Nội, mang hình Hà Nội. Mùa này những hàng sấu đang non tơ mơn mởn như không hề biết bão tố là gì. Qua mùa ăn món canh sấu nấu thịt nạc, qua rồi ghé vào chợ Đồng Xuân, chợ Hàng Da, chợ Hôm ăn món sấu dầm, mà phải ăn bằng chiếc bát gốm mới đúng là ăn được tinh tuý thứ quả xanh nhưng đã thành mỹ vị qua bàn tay khéo léo của người Hà Nội… Những cây sấu không có hoa thơm, nhưng rười rượi bóng mát đầy kỳ thú. Khi chúng ta đi ngủ thì đã có những hàng cây hoàng lan, cành nằm ngang, tay cây xoã xuống, xức nước hoa cho Hà Nội nhè nhẹ và thấm sâu một loài hương mỏng manh, một loài hương khác hoa sen, hoa nhài, càng xa hoa móng rồng, dạ hợp… cũng khác hẳn thứ hương mùa thu là hoa sẽ thức lên sau hoàng hôn. Cách đây một phần ba thế kỷ, người viết bài này đã đưa hoa sữa lên sâu khấu để nói đến tình yêu nồng nàn người Hà Nội, sau đó mới là nhạc sĩ Hồng Đăng ngợi ca thứ hương mê mệt ấy, thứ hương có thể làm nhức đầu ai đó nhưng cũng gây nỗi tương tư cho nhiều ai đó nữa.

Tiếc một điều cứ như nhìn theo con tàu rúc lên hồi còi mang bạn ta đi, đi một lần là đi biệt. Đó là những cô hàng cốm mặc áo dài vải đồng lầm nâu thắt vạt, mà trên vai các cô nàng là con thuyền đuôi én, mà mảnh thuyền rồng nhẹ tênh. Đó là chiếc đòn gánh cong một đầu (chỉ một đầu thôi) làm bằng cả một gốc tre và củ tre đào lên, chẻ đôi và gọt giũa như một tác phẩm chạm khắc công phu và tài hoa, là tiếng nói của món quà có một không hai khi mùa thu đến. Nay chiếc đòn gánh cong một đầu ấy hình như đã thành một nẻo hồn quá khứ, gặp Thạch Lam nơi cuối chân trời, gặp cả Vũ Bằng nằm lại đất phương Nam. Người ta thay nó bằng chiếc đòn gánh bình thường, dùng gánh thóc, gánh lợn, gánh gà, gánh bèo, gánh cỏ…

Mùa thu Hà Nội đành ngậm ngùi thiệt thòi chút ít. May sao, quanh Hồ Gươm đã được trồng mới, thế hệ liễu thứ ba sau chiến tranh và bão tố. Hơn 50 cây liễu không buồn như thơ Xuân Diệu "Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng", mà nó là đích thị thanh xuân Hà Nội, buông tóc vào bầu trời thu Hà Nội thay cho các ca sĩ thời thượng, đem tóc cắt ngắn cụt lủn và lơm xơm lên sâu khấu tràn ngập ánh đèn và tràn ngập mắt người.

Hà Nội thu là một khát khao thèm thuồng của bao người xa quê, phải lang bạt chân trời góc bể, thậm chí dằng dặc xứ người. Đi trong đêm heo may, sương chưa đến nỗi làm ẩm mái đầu, nhưng đêm thu có sức mạnh làm mềm mại lại hồn ta sau những giờ căng thẳng vì cuộc sống. Nghe một món rao đêm, ăn một miếng ngon Hà Nội, ấy là lúc Hà Nội nhất và Hà Nội của riêng ta nhất. Người nghệ sĩ nổi tiếng Phạm Bằng đêm đêm thức bên nồi chè ngọt và bánh trôi nóng, chắc ông không tự biết rằng ông cũng đã Hà Nội, đã thu cùng biết bao niềm cảm thông như tiếng lá của rừng, tiếng sóng của biển, còn đây là tiếng rì rầm từ lòng đất và bầu trời Hà Nội sang thu.
Thành phố có một quy định theo lẽ thông thường cần thiết, nhưng với những trái tim đang phập phồng chung nhịp và những mái đầu thổn thức mênh mang của các nhà thơ, thì quy định ấy là niềm tiếc nuối. Không được dừng lại hay đứng trên cầu, từ cầu Long Biên đến cầu Thăng Long, cầu Chương Dương…

Dưới kia thời gian đang chảy. Thời gian được cụ thể hoá thành dòng nước. Còn trên bầu trời, vũ trụ có mặt sau triệu năm tồn tại, mang theo từ Lý Bạch đến Nguyễn Du… đó là mây trăng, là tâm sự mỗi người trong một đời người. Cố nhà văn Nguyễn Tuân từng có ý tưởng ngộ nghĩnh đầy lãng mạn sau chiến tranh, nếu Hà Nội bắc thêm cầu vượt qua sông Cái tức sông Hồng, thì đem cầu Long Biên già nua, xộc xệch, chữa lại thành quán giải khát khổng lồ, dài suốt hai nghìn mét, bày bàn ghế ra cho trai thanh gái lịch tự tình, cho đồ đệ lưu linh với mộc tồn nghiêng ngả, và theo người nay, đem theo sênh phách, mà cầm ca ứ hự, đem theo chiêng trống mà Thị Mầu, Mẹ Đốp… Hà Nội không bao giờ chỉ sống với ngày hôm nay hiện hữu một cách thực tế. Nghìn năm luôn sống động, nghìn năm luôn góp lời cả trong hình hài từng con đường, từng dãy phố mùa thu là lúc đẹp nhất, là thời kỳ "gái một con trông mòn con mắt". Bởi xuân thì non quá, hè mới chớm đầy đủ. Đông lại pha một chút già nua. Chỉ quãng đường hai phần ba của một năm mới đầy đặn phồn vinh và chan chứa.

Cách đây ít chục năm, đường Cổ Ngư mới có các gánh bán bánh tôm rong, mùi khoai lang rán thơm lừng. Nhìn ra hoàng hôn đỏ khé phía Võng La Võng Thị, Xuân La còn nghe âm vang từng nhịp gõ mạn thuyền của ngư phủ làm ta như lại tới đào nguyên, ta thành Từ Thức, ta là thơ Đường. Tiếng gõ gọi cá vào lưới hay gọi thu hiện hình từ đáy sóng, từ đỉnh mây về cùng Hà Nội? Chỉ ăn gió mặt hồ và uống nhịp gõ ngư dân cũng đủ làm của ăn đường cho những ngày hôm sau tong tả… Cùng với thu, ta rẽ vào Quán Thánh, đi dưới bóng mát những cây muỗm cổ thụ dăm bảy trăm năm, ta nghe hồn đá thành lời. Đó là trái tim người thợ đá tên là Trùm Trọng, người đúc lên pho tượng đồng Trấn Vũ nặng đến gần bốn nghìn cân. Ông Trùm Trọng còn nguyên vết đá đục, ngồi khiêm tốn trong một góc vườn, khăn đầu rìu, đóng khố, đúng là một người thợ bình dân, phong cách dân gian, chan hoà, chia sẻ, nhưng không hiểu ai là người đầu tiên đem tôn sơn, trát mầu xanh đỏ, tím vàng, khoác lên mình đá của ông thứ vải the nhiễu điều và tôn ông lên thành Đức: Đức Ông Trọng? Đúng là kính chẳng bõ phiền. Đã mất đi một nét đá của Hà Nội bình dân mà hào hoa. Đã đến lúc phải trả ông Trùm về chỗ cũ, trả vóc dáng của ông về với vết chạm khắc chúng dân bình dị để gần, không thể thần thánh hoá một cách khiên cưỡng làm mất đi một phần nghìn năm Hà Nội. Hình như bóng muỗm cổ thụ vẫn chờ. Đức Thánh Trấn Vũ đang chờ người khai sinh thể xác mình ngồi vào chỗ cũ, nơi gần lò đúc đồng hơn, gần những thợ bạn và bà con hơn…

Hà Nội thu cũng là Hà Nội cưới. Hình như bắt đầu từ những năm ba mươi , Hà Nội mới có người mở ra các nhà hàng kinh doanh phòng cưới. Đó cũng là kết quả, hệ quả của nhà hình ống, điển hình cho một Hà Nội cổ. Hình như tiết thu, sau mùa Ngưu Lang Chức Nữ gặp nhau, những giọt nước mắt nhớ thương đã đọng thành hạnh phúc, thì bầu trời đêm se lạnh, thì chăn gối mới ấm hơi thở nồng nàn, thì ngoài cửa sổ kia mới sực nức hương ngâu, hương nhài, hương dạ lan hương, khiến những mái tóc quấn vào nhau dệt thành tấm võng đu bổng người vào viễn mộng… Hà Nội rất hiếm đám cưới mùa hè, trừ khi có tiếng kẻng đánh trước bữa ăn. Chỉ mùa thu mới lan toả nhịp cười và sáng tươi ánh mắt. Nắng thu, gió thu, sương thu, đêm thu, cái gì cũng vừa đủ như một dàn nhạc đệm cho một khúc song ca.

Tản Đà từng có khúc bi thu não ruột:

Từ vào thu đến nay
Sương thu bạch
Trăng thu lạnh
Khói thu xây thành
Lá thu rơi rụng đầu ghềnh
Sông thu đưa tiễn bao ngành biệt ly
Nhạn về én lại bay đi
Đêm thì vượn hót ngày thì ve ngâm…


995 thu đã đi qua. Thu nay không còn buồn như thế. Thu bao giờ cũng chưa ngầm niềm hoài cảm, từ Nguyễn Khuyến đến Nguyễn Bính, Xuân Diệu… như thu nay là bức tranh lụa cho ta đi và cho ta từ trong bức tranh ấy đi ra. Lá sen còn xanh biếc, đùa trong gió heo may, chứ chưa đến nỗi:

Lá sen tàn tạ trong đầm
Nặng mang giọt lệ âm thầm khóc hoa


(Tản Đà)

Cứ qua sông Cái mà xem, những con đường tấp nập người đi, rộn ràng xe cộ. Cứ lên hướng Tây trên đường Hoà Lạc mà xem… Qua những cây cầu dân sinh là từng mạch sông đào, là dòng mương khiêm tốn, len lỏi giữa bãi ngô, cánh lúa, những vườn chuối nương dâu… mùa thu chính là tích luỹ thiên nhiên làm mật cho đời chờ bốn con trăng nữa là đến Tết.

Mùa thu Hà Nội là mùa thu của bến bờ neo đậu bao nhiêu thương quý nhớ nhung. Đó là những con người cụ thể. Là chính ta với cái lúm đồng tiền, mầu má ửng hồng, cánh tay nuột nà, nụ cười răng khểnh… Là chính ta với gò má gồ ghề, tảng ngực vạm vỡ, dáng đi rắn rỏi, tiếng nói vang ngân… mà người tít tắp xa xôi nhớ thu Hà Nội là nhớ viên lạc rang giòn tan ăn chung nhau quanh Hồ Gươm, là món chả cá ăn với mưa thu, là đêm ấy sánh vai, ánh đèn đường biến mái tóc thành kim nhũ lấp lánh giọt tình giọt sương hay tưởng tượng…

Đã có nghìn mùa thu đọng vào Hà Nội. Những mùa thu buồn và những mùa thu vui, nhưng mùa thu nào cũng đẹp, đẹp đến não nùng, đến run rẩy, đến mê tơi.

Mùa thu Canh Tuất chưa xa, nó vẫn ở trong ta để rồi từ mùa thu đỏ rực màu cờ năm 1945, Hà Nội đã bao trang mới lấp lánh ánh vàng lịch sử, có câu "Tôi nói đồng bào có nghe rõ không"… đến nay, Hà Nội đến hẹn lại thu, đang toả sáng đến tận cùng chót mũi, đến Hòn Khoai, Phú Quốc, và ai cũng gật chung câu hoan hỉ: Mùa thu nước Việt là mùa thu đẹp nhất mỗi năm, nhưng thu Hà Nội là nơi đẹp nhất, yêu nhất… khiến ta sung sướng đến ngẩn ngơ được là người Hà Nội sống chung với thu Hà Nội… 995 mùa thu tràn ngập tâm hồn./.

*Đăng trên www.quehuong.org.vn

Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2008

Rằm Trung thu*

Hôm nay mẹ và Lem đi cửa hàng để bổ sung thêm đồ dùng học tập cho Lem. Tới cửa hàng bách hóa, Lem chọn một chỗ ngồi yên tĩnh ở gian hàng sách để bắt đầu say sưa với những "cánh cửa sổ nhìn ra thế giới". Mẹ gọi "sách" là những "cánh cửa sổ..." của Lem, vì khi vừa rời khỏi cửa hàng, Lem lập tức bắt đầu đặt ra những câu hỏi mới cho mẹ. Lem bàn bạc với mẹ về khái niệm "Thế nào là một loài động vật có vú (mammal)?". Rồi Lem hỏi mẹ về các loài Rồng cổ tích. Lem còn khoe với mẹ về việc mình đã được sờ da hà mã, vuốt đuôi sói hay nghịch tai voi (qua những trang sách được thiết kế đặc biệt) nữa.

Mẹ mua cho Lem thêm một tập giấy vẽ, một hộp bút dạ và một hộp bút chì màu. Ngoài ra, Lem còn được mẹ tặng cho một cuốn sách mới. Cuốn sách về các bài hát ru, với những hình vẽ rất đẹp, và có cả đĩa CD kèm theo. Lem hào hứng mở CD nghe luôn trong ô-tô suốt dọc đường về, vừa nghe vừa khe khẽ hát theo:

"I see the moon
And the moon sees me"

Lem vừa hát vừa chỉ cho mẹ:

- Mẹ ơi, trăng đi theo chúng ta kìa.

- Ừ, hôm nay là ngày rằm đấy con ạ. Trăng bao giờ cũng tròn nhất vào ngày giữa tháng âm lịch.

Cứ khi nào có dịp, Lem và mẹ lại ngẩng đầu xem trăng. Lem dễ dàng đồng tình khi chiêm ngưỡng hình ảnh trăng khi tròn, khi khuyết; Nhưng khi ngắm hình một vầng trăng lưỡi liềm, Lem thường bảo mẹ, Lem vẫn nhìn thấy quầng sáng của trăng tròn lấp sau quầng tối. Làm thế nào mà Lem có thể nhìn thấy được nhỉ?!

***

Thu đến rồi đi... Mẹ con mình cùng đi ngắm những bông hoa của mùa thu* nhé.



Bố "lót lá cho [hai mẹ con] nằm"***



Lem và bố con đón bắt lá rơi



*Tại sao mẹ lại gọi ngày 15 tháng 3 âm lịch là Rằm Trung thu? Đây chỉ là khái niệm mẹ tự nghĩ ra - Vì hôm nay là ngày rằm (theo âm lịch), lại nhằm ngày gần như chính giữa của mùa thu Melbourne (giữa tháng Tư dương lịch). Cũng có thể vì mẹ nhớ Rằm tháng Tám ở quê hương quá - Thời sinh viên đi học xa nhà, đã biết bao mùa thu rồi mẹ không có "Rằm Trung thu"...

**Albert Camus đã viết: "Autumn is a second spring when every leaf is a flower." (Nguyên văn, "L'automne est un deuxième printemps où chaque feuille est une fleur.")

***Tô Như Châu viết: "Ngày sang thu anh lót lá em nằm" trong bài hát "Có phải em mùa thu Hà Nội" (Sáng tác nhạc: Trần Quang Lộc)

Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2008

Có phải Em mùa thu Hà Nội - TÔ NHƯ CHÂU

Thơ: Tô Như Châu (Phổ nhạc: Trần Quang Lộc)

Tháng tám mùa thu, lá rơi vàng chưa nhỉ
Từ độ người đi thương nhớ âm thầm
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Tuổi phong sương ta cũng gắng đi tìm
Có phải em mùa thu xưa

Có bóng mùa thu thức ta lòng son muộn
Một ngày về xuôi chân ghé Thăng Long buồn
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Ngày sang thu anh lót lá em nằm
Bên trời xa sương tóc bay

Thôi thì có em đời ta hy vọng
Thôi thì có em sương khói môi mềm
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Nghe đâu đây lá úa và mi xanh
Nghe đâu đây hồn Trưng Vương sông Hát

Có chắc mùa thu lá rơi vàng tiếng gọi
Lệ mừng gặp nhau xôn xao phím dương cầm
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Nghìn năm sau ta níu bóng quay về
Ơi mùa thu của ước mơ

Thứ Tư, 16 tháng 4, 2008

Trích "Cảm xúc chưa biết đặt tên" - KIN*

Hà Nội trong tôi là những gánh hàng lang thang đầu phố, là đường, là ngõ, là vô vàn chiếc lá đam mê..

Hà Nội trong tôi là ngày dài lê thê, những buồn vui kịp đi, kịp đến, là tiếng lòng xao xuyến, là bản tình ca anh tặng riêng tôi..

Hà Nội ơi, Hà Nội trong tôi, là sớm mai, là sương tròn mặt lá, là nụ cười cô hàng nước lạ, là cụ già ngồi đếm bước thời gian..

Hà Nội trong tôi là thương nhớ mênh mang, là lá thư chưa khô màu mực, là tình anh không bao giờ thực, dù nó đã in hằn ký ức trong tôi..

Hà Nội là hình hài chiếc nôi, thuở xa xưa bà ru ời mẹ, là những câu truyện dài chưa kịp kể, Nội đã xa rồi...

Hà Nội là hư ảo, là chơi vơi, là mặt nước hồ trong veo huyền thoại, là phố phường đi xa khắc khoải, thương nhớ một người hay nhớ cả quê hương...

* Diễn đàn "Người Hà Nội"

Thứ Hai, 14 tháng 4, 2008

Câu chuyện quả bóng bay

Mỗi bạn đến sinh nhật Hannah được tặng một quả bóng bay (bên cạnh một số thứ quà khác). Nguyên tắc là bóng bay sẽ được thả tự do trong nhà, và mỗi bạn chỉ được phép lấy một quả ngay trước khi ra về.

Lem thực hiện đúng như vậy. Tuy nhiên, một vài bạn nhỏ hơn thì quá nóng lòng muốn chơi bóng nên đã tự lấy bóng và đem chúng ra ngoài sân chơi. Có những bạn vừa cầm bóng vừa vô tư nhảy nhót trên bàn nhảy lò xo. Chẳng thế mà chẳng mấy chốc các bạn ấy tuột tay ... và các quả bóng nhiều màu sắc lần lượt bay lên trời. Bóng bay đi, còn các bạn nhỏ ngước những đôi mắt trong veo nhìn theo mãi cho đến khi bóng chỉ còn là một chấm nhỏ ở nơi xa tít. Mẹ an ủi bằng cách nói về những điều đã quen thuộc với các bạn: "Có lẽ bóng đã bay đến thiên đường rồi, các con ạ." Vậy mà hiệu nghiệm lắm nhé - các bạn nhỏ có vẻ rất tin là bóng đã bay lên thiên đường.

Chuẩn bị ra về, Lem vào phòng để lấy quả bóng của mình và cũng là quả bóng duy nhất còn lại. Lem và mẹ đang chần chừ chia tay với Hannah và bố mẹ của bạn ấy thì một cô em họ của Hannah chạy tới, mè nheo vì của bóng của em đã bay mất. Lem liền chìa quả bóng của mình ra cho em, nhưng em nhất định không chịu vì em thích màu hồng chứ không thích màu đỏ. Chẳng nói chẳng rằng, Lem liền cầm quả bóng của mình chạy ra sân. Cả nhà nhìn theo, thấy Lem đang từ từ buông tay khỏi chiếc dây cước mảnh dẻ, thả cho bóng bay đi. Ông bà nội và các cô, dì, của Hannah trầm trồ với nhau:

- Minh tốt bụng quá. Có lẽ Minh muốn chia sẻ với em bé bị mất bóng nên thả nốt quả bóng bay của mình đấy mà.

Lem không nói gì, chỉ đứng nhìn theo bóng một cách điềm tĩnh. Mẹ ngại ngùng, đưa ra một nhận xét khác:

- Biết đâu thả cho bóng bay lên trời lại là một trò thú vị. Chắc Lem thấy hay nên mới chơi trò thả bóng đó mà.

Các cô, dì của Hannah cùng cười:

- Ừ, [mẹ Lem] nói cũng có lý. Sao mình lại không nghĩ đến điều này nhỉ.

Còn con, lúc con thả bóng đó, thực sự con nghĩ gì? Con đã sáng tạo một trò chơi mới hay bày tỏ sự đồng cảm của mình với em nhỏ?!

Tiệc nấu ăn

Hannah là cô bạn gái gần như thân thiết nhất của Lem ở Nhà trẻ (Mẹ viết "gần như", vì nếu được hỏi, Lem sẽ cho mẹ cả một danh sách các bạn thân ấy chứ. Lem từng tâm sự với mẹ, rằng Lem yêu quý tất cả các cô giáo và thân với tất cả các bạn ở lớp, chứ không phân biệt đối xử với bất cứ một ai. Gần đây, Lem nhắc nhiều hơn đến Wil, Sarah và Hannah - những người bạn đã gắn bó với Lem ở Nhà trẻ được gần hai năm rồi.)

Hannah nhỏ hơn Lem bốn tháng tuổi nhưng rất là cao lớn, hơn hẳn các bạn trong lớp. Hannah cao như vậy, có lẽ chủ yếu do yếu tố di truyền. Bố của Hannah rất to con, còn mẹ của Hannah thậm chí còn cao to hơn cả bố bạn ấy. Lúc nào gặp nhau là Hannah và Lem cũng quấn quít, ôm ấp, hỏi han nhau vô cùng tình cảm.

Lem và mẹ đã chuẩn bị món quà sinh nhật cho Hannah từ rất sớm. Gần đến ngày sinh nhật bạn, Lem mới hì hụi lấy chiếc thiếp có hình chú gấu "Me to You" dễ thương ra để viết lời đề tặng. Lem nâng niu tờ thiếp, dùng bút nhũ màu vẽ tặng bạn, với rất nhiều những trái tim, những bông hoa và những món đồ chơi ngũ sắc, lóng la lóng lánh. Vẽ xong, Lem nhờ mẹ đánh vần để Lem viết cho bạn: "DEAR HANNAH - I LOVE YOU - YOU LOVE ME - MINH"

Xong xuôi, hai mẹ con lên đường. Vì không ước lượng chính xác thời gian đi đường nên mẹ đưa Lem đến hơi muộn một chút. Lúc Lem đến thì các bạn đã tô màu xong chiếc mũ đầu bếp và đã bắt tay vào làm bánh. Thấy Lem, mẹ của Hannah liền đón Lem vào để mặc trang phục đầu bếp ngay. Lem được khoác một chiếc tạp dề xinh xắn và một chiếc mũ đầu bếp trắng tinh.

Bột làm bánh đã được trộn sẵn - các con chỉ việc nhào nặn bơ với bột thật kỹ, dùng con lăn và thớt để cán bột đều ra, sau đó dùng các khuôn để cắt bánh thành hình, rồi cuối cùng dùng các viên kẹo màu sắc để trang trí bánh theo cách mà mình ưa thích. Nghe đơn giản như vậy nhưng mà cũng khá là kỳ công đó nhé. Những bàn tay bé xíu chưa đủ sức để nhào bột cho thật nhuyễn nên thỉnh thoảng vẫn phải nhờ đến sự giúp đỡ của các mẹ. Các bạn trai thì xem ra thích thú với mấy chậu nước rửa tay, nơi có một chú vịt con bằng cao su đang bơi sấp giữa đống bọt xà phòng, hơn là cơ man nào là bột, đường và các dụng cụ làm bánh.

Nào, hãy cùng nhau làm bánh





Sản phẩm của mỗi bạn là một chiếc bánh quy hình ngôi sao và một chiếc bánh quy hình chú gấu Teddy cỡ to bằng bàn tay. Bánh trước khi được đưa vào lò nướng đều được ghi chú tên của mỗi bạn. Lem nhất định đòi được tự ghi tên của mình vào tấm giấy nướng bằng một chiếc bút dạ hồng, thay vì để các cô ghi hộ. Còn bạn Wil thì làm các mẹ hài lòng vì khi được hỏi tên, Wil không những trả lời dõng dạc mà còn đánh vần thật đúng tên của mình để các cô ghi vào giấy nữa.

Vừa cởi bỏ bộ đồ đầu bếp xong, Lem nhớ ngay đến việc tặng quà mà mình vì đến muộn nên chưa kịp thực hiện. Mặc cho mẹ dỗ dành (rằng cứ để yên quà ở bàn tặng phẩm cùng với quà của các bạn khác rồi tan tiệc Hannah sẽ mở xem), Lem nhất định gọi Hannah vào trong nhà, dẫn bạn tới chỗ để quà và khoe với bạn món quà của mình. Hannah tỏ vẻ vui mừng rõ rệt khi nhận được món quà từ tay Lem. Mắt Lem cũng ngời sáng khi thấy bạn hào hứng với món quà của mình. Hannah thậm chí còn rất sung sướng mang quà của Lem ra khoe với bố mẹ mình nữa chứ.

Trong khi bánh được nướng trong lò thì các bạn được các cô dẫn lên đồi chơi và bắt đầu trò chơi "Đi tìm kho báu" (Treasure Hunt). Mỗi bạn phải và chỉ được kiếm một quả trứng cho mình. Mấy bạn trai nhanh chân kiếm được bao nhiêu trứng lại đành phải đi dấu lại bấy nhiêu. Kiếm được báu vật, các bạn hồi hộp mở trứng ra, để rồi tìm thấy bên trong mỗi quả trứng một hộp dụng cụ thổi bong bóng nho nhỏ - phần thưởng mà bất kỳ bạn nhỏ nào cũng thích. Lem và các bạn chạy nhảy chơi đùa tung tăng khắp sân bóng, với nhiều trò chơi leo trèo và những tấm thảm nhảy (trampolines).



Khi các con xuống đồi, quay trở lại, bàn tiệc sinh nhật đã được bày biện một cách khéo léo với vô số loại bánh trái từ lúc nào. Đồ ăn trong các bữa tiệc sinh nhật (party food) luôn là món khoái khẩu của Lem, bởi rất ít khi Lem được dùng các loại đồ ăn này ở nhà. Lem thích nhất là sausage rolls, pies chips. Bạn Sarah thì tranh thủ chất lên đĩa mình ba bốn chiếc cup cakes, dù chỉ để nhâm nhi các hạt kẹo đường trang trí phía trên. Mẹ của Sarah ngại ngùng xin chủ nhà cái hộp giấy để mang đi phần bánh mà Sarah không ăn đến.

Chuyện bạn bè


Lem và Hannah nhất định ngồi chung một ghế với nhau. Bố Hannah trò chuyện với mẹ, bảo rằng, hai con lúc nào cũng như những người bạn cũ lâu ngày mới gặp (nguyên văn, "old mates").

Rồi giờ phút quan trọng cũng tới, đó là việc thổi bánh sinh nhật. Chiếc bánh ga-tô kem lạnh được trang trí bằng hình hai cô tiên rất dễ thương. Lúc này, Hannah đã nhường chỗ bên cạnh Lem cho bạn Sarah để ra thổi nến. Sarah và Lem lại vui vẻ trò chuyện với nhau đến quên cả hát mừng sinh nhật Hannah nữa.



Trong lúc các con ăn tiệc thì các cô đã nhanh tay bày thêm một chiếc bàn nhỏ, và xếp lên trên đó một loạt các loại đồ chơi và kẹo bánh để các bạn tự chuẩn bị cho mình túi quà mang về. Lem nhất định chỉ chọn một cây lolly pop rất nhiều những viên kẹo marshmallow màu trắng và màu hồng để cho vào túi quà của mình. Mẹ hỏi, "Tại sao con không chọn mỗi thứ một chút như các bạn?" Lem trả lời, "Vì con chỉ thích mỗi hai thứ này!". Con cũng khá cá tính, và thiết thực nữa, đấy nhỉ.

Những chiếc bánh quy thơm phức và vàng ngậy được ra lò vừa đúng lúc một số bạn lục tục chuẩn bị ra về. Bạn nào cũng rất hào hứng ngắm nghía và thưởng thức ngay thành quả một ngày nấu nướng của mình. Riêng Lem và mẹ chưa nhận bánh ngay vì còn lưu luyến ở lại chơi với Hannah và gia đình thêm một lát.

Bữa tiệc sinh nhật diễn ra gọn gàng và đầy ý nghĩa. Địa điểm của bữa tiệc thì khỏi phải nói, vô cùng thích hợp cho một buổi ... picnic. Bấy giờ, mẹ mới hay đây chính là tư gia của ông bà nội của Hannah. Vậy mà từ đầu mẹ cứ tưởng là bữa tiệc đang diễn ra tại một cơ sở kinh doanh gia đình nào đó - cho dù ngay khi bước chân vào "cơ sở kinh doanh" này, mẹ đã cảm nhận thấy một không khí ấm cúng và thân thiết của một gia đình.

Ngôi nhà của ông bà nằm dưới chân một quả đồi ở khu vực ngoại thành đồi núi phía Đông Bắc Melbourne. Lối vào nhà uốn lượn theo chân đồi với hai bên là thảm cỏ được chăm tỉa gọn gàng, tinh tế. Ngôi nhà xây bằng gạch đỏ, trần thấp theo kiểu châu Âu, có bể bơi, sân tennis và những khoảng vườn rộng.

Ông bà của Hannah rất hiền từ và hiếu khách. Khi Lem giới thiệu tên mình xong, ông khen ngay: "Tên của Lem là gồm cả mặt trăng và mặt trời đấy nhé." Bố của Hannah bảo, ông đang học tiếng Trung Quốc như một thú vui của mình. Rồi chú Matt vui vẻ chỉ cho Lem xem những tấm ảnh trên tường, tự hào kể về vị trí anh cả của mình trong một gia đình gồm mười (10) anh em.

Mỗi bạn đến dự sinh nhật được mang về, ngoài những chiếc bánh quy tự làm và một túi quà, còn có một quả bóng bay ... tuy rằng không phải bạn nào cũng giữ được quả bóng của mình cho đến khi ra về.

Hannah tiễn Lem tới tận cửa ô-tô. Rồi chừng như chưa đủ, Hannah nũng nịu đòi bố bế bổng mình lên để hôn tạm biệt Lem (lần thứ n) qua cửa sổ ô-tô.

Sau một ngày rong chơi, Lem ngủ thiếp đi ngon lành trên ghế sau. Tạm biệt cánh rừng già trên núi, mẹ con Lem trở về với đồng bằng đây ... Về đến nhà, mùi hương eucalyptus mát lạnh vẫn còn thoang thoảng trên quần áo và trong tóc hai mẹ con.