Thứ Hai, 21 tháng 4, 2008

Mùa thu Hà Nội* - BĂNG SƠN


Sen Hồ Tây chưa tàn nhưng nắng đã mật ong. Gió thì thầm khiến nước Hồ Gươm rùng mình trong xao xuyến, phải gợn lên niềm tri âm. Sáng ra, ta đợi một ngày bất chợt nắng lạnh ra sao thì vẫn cứ là gặp thu gõ vào khung cửa sổ cho ta biết có một mùa mới đang về… có thể còn ngập ngừng trên lưng chừng Tam Đảo, có thể còn nơi biên giới Lạng Sơn, Cao Bằng, rong du cùng sông Kỳ Cùng, sông Nho Quế, sông Bằng Giang hay đỉnh Hoàng Liên… mà cũng có thể thu về đến nơi con trâu vàng đang nằm nghỉ nghe tiếng nghé gọi mẹ, nhưng trâu không lồng lên nữa mà nhẩn nha nhai lại những con sóng biếc nghìn năm, nghe lại nhịp chày giã vỏ dó làng Yên Thái, ngắm con tàu xanh không bao giờ đắm mang tên Cố Ngự - Cổ Ngư - Thanh niên và bắt gặp những chiếc thoi thuyền lao đi, chở nặng tình yêu trai gái, những lá buồm mong manh như hư ảo, mà chắc trong số đó, có một lá buồm vô định chở hồn một người 32 tuổi, chứa chan yêu Hà Nội, đã hoá thân vào sóng nước Tây Hồ từ ngôi nhà ven bờ có cây liễu thướt tha nhạy cảm như hồn người đó. Hồn người tạc ra nét “Băm sáu phố phường” bằng câu, bằng chữ, nhưng trước hết bằng tâm tưởng, bằng tha thiết thương yêu. Đó là Thạch Lam, người ra đi năm 1942 từ làng Yên Phụ, bên bờ ao Vả, nhưng hồn không tan, cứ phiêu diêu trong triệu hồn người Hà Nội…

Thật sự thì thu đã về rồi khi ta nhớ về mùa Cách mạng. Cô hàng cốm đã quen thuộc mấy trăm năm, đi vào từng phố, bán những viên ngọc lưu ly, thơm như hương trinh nữ, mềm như mây chiều và thơm mát như lời tỏ tình đầu tiên trong hương hoa hoàng lan chỉ thức lên khi lòng ta ngập tràn âu yếm.

Trịnh viết bài Thu Hà Nội, với cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ… chưa phải lúc này. Phố Tràng Thi, đường Quán Thánh bàng vẫn mướt xanh từng chiếc là hình cây quạt ba tiêu để che đi những chùm quả chín, quả bàng mỡ, bàng đào, vừa chát, vừa ngọt, đậm tuổi học trò, ăn xong còn cầm hòn gạch vỡ đập hạt khêu nhân, có khi là phải ăn hàng triệu quả mới no, nhưng bao thế hệ người Hà Nội đã cùng ăn như thế, ăn để cho thích, ăn để cho nhớ, ăn để hoá mình vào thu, ăn để nhìn vào mắt nhau và hoài niệm đến kiếp sau…

Hàng cây cơm nguội trên đê Yên Phụ, lối rẽ xuống khách sạn Cu Ba xây dựng cho ta mang tên Thắng Lợi, đã có một thời đứng như cọc tiêu màu xanh, đi vào hội hoạ và nhiếp ảnh. Cây đã qua tuổi dậy thì, đã vào thu đời mình cho những thu Hà Nội, kiên cường vượt qua thách thức. Phố Lý Thường Kiệt cũng là phố cây cơm nguội, nhưng một chút phôi pha, đã xen vào đây là phượng vĩ, xà cừ vì qua mùa tươi non, cây cơm nguội chịu nhiều vất vả với nắng mưa tơi tả. Cũng không sao. Hà Nội có những loài cây mang tên Hà Nội, mang dáng Hà Nội, mang hình Hà Nội. Mùa này những hàng sấu đang non tơ mơn mởn như không hề biết bão tố là gì. Qua mùa ăn món canh sấu nấu thịt nạc, qua rồi ghé vào chợ Đồng Xuân, chợ Hàng Da, chợ Hôm ăn món sấu dầm, mà phải ăn bằng chiếc bát gốm mới đúng là ăn được tinh tuý thứ quả xanh nhưng đã thành mỹ vị qua bàn tay khéo léo của người Hà Nội… Những cây sấu không có hoa thơm, nhưng rười rượi bóng mát đầy kỳ thú. Khi chúng ta đi ngủ thì đã có những hàng cây hoàng lan, cành nằm ngang, tay cây xoã xuống, xức nước hoa cho Hà Nội nhè nhẹ và thấm sâu một loài hương mỏng manh, một loài hương khác hoa sen, hoa nhài, càng xa hoa móng rồng, dạ hợp… cũng khác hẳn thứ hương mùa thu là hoa sẽ thức lên sau hoàng hôn. Cách đây một phần ba thế kỷ, người viết bài này đã đưa hoa sữa lên sâu khấu để nói đến tình yêu nồng nàn người Hà Nội, sau đó mới là nhạc sĩ Hồng Đăng ngợi ca thứ hương mê mệt ấy, thứ hương có thể làm nhức đầu ai đó nhưng cũng gây nỗi tương tư cho nhiều ai đó nữa.

Tiếc một điều cứ như nhìn theo con tàu rúc lên hồi còi mang bạn ta đi, đi một lần là đi biệt. Đó là những cô hàng cốm mặc áo dài vải đồng lầm nâu thắt vạt, mà trên vai các cô nàng là con thuyền đuôi én, mà mảnh thuyền rồng nhẹ tênh. Đó là chiếc đòn gánh cong một đầu (chỉ một đầu thôi) làm bằng cả một gốc tre và củ tre đào lên, chẻ đôi và gọt giũa như một tác phẩm chạm khắc công phu và tài hoa, là tiếng nói của món quà có một không hai khi mùa thu đến. Nay chiếc đòn gánh cong một đầu ấy hình như đã thành một nẻo hồn quá khứ, gặp Thạch Lam nơi cuối chân trời, gặp cả Vũ Bằng nằm lại đất phương Nam. Người ta thay nó bằng chiếc đòn gánh bình thường, dùng gánh thóc, gánh lợn, gánh gà, gánh bèo, gánh cỏ…

Mùa thu Hà Nội đành ngậm ngùi thiệt thòi chút ít. May sao, quanh Hồ Gươm đã được trồng mới, thế hệ liễu thứ ba sau chiến tranh và bão tố. Hơn 50 cây liễu không buồn như thơ Xuân Diệu "Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng", mà nó là đích thị thanh xuân Hà Nội, buông tóc vào bầu trời thu Hà Nội thay cho các ca sĩ thời thượng, đem tóc cắt ngắn cụt lủn và lơm xơm lên sâu khấu tràn ngập ánh đèn và tràn ngập mắt người.

Hà Nội thu là một khát khao thèm thuồng của bao người xa quê, phải lang bạt chân trời góc bể, thậm chí dằng dặc xứ người. Đi trong đêm heo may, sương chưa đến nỗi làm ẩm mái đầu, nhưng đêm thu có sức mạnh làm mềm mại lại hồn ta sau những giờ căng thẳng vì cuộc sống. Nghe một món rao đêm, ăn một miếng ngon Hà Nội, ấy là lúc Hà Nội nhất và Hà Nội của riêng ta nhất. Người nghệ sĩ nổi tiếng Phạm Bằng đêm đêm thức bên nồi chè ngọt và bánh trôi nóng, chắc ông không tự biết rằng ông cũng đã Hà Nội, đã thu cùng biết bao niềm cảm thông như tiếng lá của rừng, tiếng sóng của biển, còn đây là tiếng rì rầm từ lòng đất và bầu trời Hà Nội sang thu.
Thành phố có một quy định theo lẽ thông thường cần thiết, nhưng với những trái tim đang phập phồng chung nhịp và những mái đầu thổn thức mênh mang của các nhà thơ, thì quy định ấy là niềm tiếc nuối. Không được dừng lại hay đứng trên cầu, từ cầu Long Biên đến cầu Thăng Long, cầu Chương Dương…

Dưới kia thời gian đang chảy. Thời gian được cụ thể hoá thành dòng nước. Còn trên bầu trời, vũ trụ có mặt sau triệu năm tồn tại, mang theo từ Lý Bạch đến Nguyễn Du… đó là mây trăng, là tâm sự mỗi người trong một đời người. Cố nhà văn Nguyễn Tuân từng có ý tưởng ngộ nghĩnh đầy lãng mạn sau chiến tranh, nếu Hà Nội bắc thêm cầu vượt qua sông Cái tức sông Hồng, thì đem cầu Long Biên già nua, xộc xệch, chữa lại thành quán giải khát khổng lồ, dài suốt hai nghìn mét, bày bàn ghế ra cho trai thanh gái lịch tự tình, cho đồ đệ lưu linh với mộc tồn nghiêng ngả, và theo người nay, đem theo sênh phách, mà cầm ca ứ hự, đem theo chiêng trống mà Thị Mầu, Mẹ Đốp… Hà Nội không bao giờ chỉ sống với ngày hôm nay hiện hữu một cách thực tế. Nghìn năm luôn sống động, nghìn năm luôn góp lời cả trong hình hài từng con đường, từng dãy phố mùa thu là lúc đẹp nhất, là thời kỳ "gái một con trông mòn con mắt". Bởi xuân thì non quá, hè mới chớm đầy đủ. Đông lại pha một chút già nua. Chỉ quãng đường hai phần ba của một năm mới đầy đặn phồn vinh và chan chứa.

Cách đây ít chục năm, đường Cổ Ngư mới có các gánh bán bánh tôm rong, mùi khoai lang rán thơm lừng. Nhìn ra hoàng hôn đỏ khé phía Võng La Võng Thị, Xuân La còn nghe âm vang từng nhịp gõ mạn thuyền của ngư phủ làm ta như lại tới đào nguyên, ta thành Từ Thức, ta là thơ Đường. Tiếng gõ gọi cá vào lưới hay gọi thu hiện hình từ đáy sóng, từ đỉnh mây về cùng Hà Nội? Chỉ ăn gió mặt hồ và uống nhịp gõ ngư dân cũng đủ làm của ăn đường cho những ngày hôm sau tong tả… Cùng với thu, ta rẽ vào Quán Thánh, đi dưới bóng mát những cây muỗm cổ thụ dăm bảy trăm năm, ta nghe hồn đá thành lời. Đó là trái tim người thợ đá tên là Trùm Trọng, người đúc lên pho tượng đồng Trấn Vũ nặng đến gần bốn nghìn cân. Ông Trùm Trọng còn nguyên vết đá đục, ngồi khiêm tốn trong một góc vườn, khăn đầu rìu, đóng khố, đúng là một người thợ bình dân, phong cách dân gian, chan hoà, chia sẻ, nhưng không hiểu ai là người đầu tiên đem tôn sơn, trát mầu xanh đỏ, tím vàng, khoác lên mình đá của ông thứ vải the nhiễu điều và tôn ông lên thành Đức: Đức Ông Trọng? Đúng là kính chẳng bõ phiền. Đã mất đi một nét đá của Hà Nội bình dân mà hào hoa. Đã đến lúc phải trả ông Trùm về chỗ cũ, trả vóc dáng của ông về với vết chạm khắc chúng dân bình dị để gần, không thể thần thánh hoá một cách khiên cưỡng làm mất đi một phần nghìn năm Hà Nội. Hình như bóng muỗm cổ thụ vẫn chờ. Đức Thánh Trấn Vũ đang chờ người khai sinh thể xác mình ngồi vào chỗ cũ, nơi gần lò đúc đồng hơn, gần những thợ bạn và bà con hơn…

Hà Nội thu cũng là Hà Nội cưới. Hình như bắt đầu từ những năm ba mươi , Hà Nội mới có người mở ra các nhà hàng kinh doanh phòng cưới. Đó cũng là kết quả, hệ quả của nhà hình ống, điển hình cho một Hà Nội cổ. Hình như tiết thu, sau mùa Ngưu Lang Chức Nữ gặp nhau, những giọt nước mắt nhớ thương đã đọng thành hạnh phúc, thì bầu trời đêm se lạnh, thì chăn gối mới ấm hơi thở nồng nàn, thì ngoài cửa sổ kia mới sực nức hương ngâu, hương nhài, hương dạ lan hương, khiến những mái tóc quấn vào nhau dệt thành tấm võng đu bổng người vào viễn mộng… Hà Nội rất hiếm đám cưới mùa hè, trừ khi có tiếng kẻng đánh trước bữa ăn. Chỉ mùa thu mới lan toả nhịp cười và sáng tươi ánh mắt. Nắng thu, gió thu, sương thu, đêm thu, cái gì cũng vừa đủ như một dàn nhạc đệm cho một khúc song ca.

Tản Đà từng có khúc bi thu não ruột:

Từ vào thu đến nay
Sương thu bạch
Trăng thu lạnh
Khói thu xây thành
Lá thu rơi rụng đầu ghềnh
Sông thu đưa tiễn bao ngành biệt ly
Nhạn về én lại bay đi
Đêm thì vượn hót ngày thì ve ngâm…


995 thu đã đi qua. Thu nay không còn buồn như thế. Thu bao giờ cũng chưa ngầm niềm hoài cảm, từ Nguyễn Khuyến đến Nguyễn Bính, Xuân Diệu… như thu nay là bức tranh lụa cho ta đi và cho ta từ trong bức tranh ấy đi ra. Lá sen còn xanh biếc, đùa trong gió heo may, chứ chưa đến nỗi:

Lá sen tàn tạ trong đầm
Nặng mang giọt lệ âm thầm khóc hoa


(Tản Đà)

Cứ qua sông Cái mà xem, những con đường tấp nập người đi, rộn ràng xe cộ. Cứ lên hướng Tây trên đường Hoà Lạc mà xem… Qua những cây cầu dân sinh là từng mạch sông đào, là dòng mương khiêm tốn, len lỏi giữa bãi ngô, cánh lúa, những vườn chuối nương dâu… mùa thu chính là tích luỹ thiên nhiên làm mật cho đời chờ bốn con trăng nữa là đến Tết.

Mùa thu Hà Nội là mùa thu của bến bờ neo đậu bao nhiêu thương quý nhớ nhung. Đó là những con người cụ thể. Là chính ta với cái lúm đồng tiền, mầu má ửng hồng, cánh tay nuột nà, nụ cười răng khểnh… Là chính ta với gò má gồ ghề, tảng ngực vạm vỡ, dáng đi rắn rỏi, tiếng nói vang ngân… mà người tít tắp xa xôi nhớ thu Hà Nội là nhớ viên lạc rang giòn tan ăn chung nhau quanh Hồ Gươm, là món chả cá ăn với mưa thu, là đêm ấy sánh vai, ánh đèn đường biến mái tóc thành kim nhũ lấp lánh giọt tình giọt sương hay tưởng tượng…

Đã có nghìn mùa thu đọng vào Hà Nội. Những mùa thu buồn và những mùa thu vui, nhưng mùa thu nào cũng đẹp, đẹp đến não nùng, đến run rẩy, đến mê tơi.

Mùa thu Canh Tuất chưa xa, nó vẫn ở trong ta để rồi từ mùa thu đỏ rực màu cờ năm 1945, Hà Nội đã bao trang mới lấp lánh ánh vàng lịch sử, có câu "Tôi nói đồng bào có nghe rõ không"… đến nay, Hà Nội đến hẹn lại thu, đang toả sáng đến tận cùng chót mũi, đến Hòn Khoai, Phú Quốc, và ai cũng gật chung câu hoan hỉ: Mùa thu nước Việt là mùa thu đẹp nhất mỗi năm, nhưng thu Hà Nội là nơi đẹp nhất, yêu nhất… khiến ta sung sướng đến ngẩn ngơ được là người Hà Nội sống chung với thu Hà Nội… 995 mùa thu tràn ngập tâm hồn./.

*Đăng trên www.quehuong.org.vn

Không có nhận xét nào: