Thứ Bảy, 15 tháng 3, 2008

Gặp bà ngoại ở Sydney (mới hoàn chỉnh!)

Thời gian trôi qua thật nhanh. Hôm nay cả nhà sẽ bay lên Sydney để gặp bà ngoại. Trên đường ra sân bay, Lem hồi tưởng lại những lần đi du lịch bằng máy bay trước, hỏi mẹ xem lần này mình đi máy bay to hay máy bay nhỏ. Từ hồi hơn hai tuổi, Lem đã tâm sự với mẹ là Lem thích đi máy bay to vì máy bay to êm hơn, chứ máy bay nhỏ hay bị xóc. Lần này, Lem việc đi máy bay nhỏ không còn làm cho Lem lo lắng nữa. Một mình một va-li kéo nho nhỏ, Lem tự tin làm thủ tục soát vé, kiểm tra an ninh và lên máy bay. Lúc "check-in" xong, Lem nhận xét một cách đầy kinh nghiệm, "Hôm nay không có kẹo nhỉ!" Dì Hương bảo Lem sành điệu quá, phải đi nhiều thì mới biết tại quầy "check-in" hay có kẹo mời chứ.

Quang cảnh Circular Quay nhìn từ cửa sổ tầng 29 của khách sạn


Thời tiết Sydney thật là ấm áp, nắng gió chan hòa. Cả nhà đón taxi để về khách sạn. Biết ba mẹ con mình ở Melbourne tới, người lái taxi bắt chuyện như để chiều lòng khách: "Tôi thích sống ở Melbourne hơn. Ở Sydney ồn ào, tấp nập quá, mệt mỏi lắm cô ạ... Tôi chỉ làm việc ở đây vài năm rồi đi thôi ...". Mẹ không nói gì, chỉ cười cười đáp lễ. Mẹ thầm nghĩ, mỗi người đều có lựa chọn của mình. Melbourne giống như quê hương thứ hai của mẹ, là nơi mẹ đi học, rồi gặp bố, là nơi con sinh ra. Nhưng ở Sydney mẹ cũng đã có rất nhiều kỷ niệm đẹp thời sinh viên, với bạn bè, với gia đình ... trong mỗi lần viếng thăm. Biết đâu một ngày nào đó Sydney lại là nơi gia đình mình gọi là "tổ ấm", con nhỉ.

Thật là một điều bất ngờ dễ chịu - khách sạn mà mẹ đã đặt chỗ trước ở sát ngay bên cạnh khách sạn mà bà ngoại ở, mặc dù theo số nhà thì hai khách sạn phải cách nhau đến mười lăm nhà (chỉ tính số chẵn). Người khoái chí nhất có lẽ là dì Hương, người đã nhanh nhẹn lên kế hoạch - ngủ với bà ngoại còn ăn sáng với Lem - dì bảo, "Ở thế này ta tha hồ mà đi thám hiểm, chạy đi chạy về , thích ghê!"

Mẹ đã được bà ngoại giao trọng trách đến sớm để đi chợ cho bà, trong khi đoàn công tác của bà phải chiều mới đến nơi. Thế là, đăng ký khách sạn xong, ba mẹ con lại rồng rắn một vòng qua The Rocks, Circular Quay, trước khi bắt taxi phóng một mạch đến Chinatown.

Chưa bao giờ mẹ đi bộ quanh The Rocks theo hướng này; Mẹ thực sự bị hấp dẫn bởi những dãy nhà cổ kiểu thuộc địa xinh xắn (khá nhiều trong số đó nay đã trở thành bảo tàng hoặc cửa hàng lưu niệm), xen lẫn những kiến trúc thực dụng hơn với những bậc thềm bằng sa thạch nguyên sơ, những cánh cửa sau bằng gỗ sồi cũ kỹ, nằm im lìm giữa những lối đi lát đá nhỏ hẹp, dẫn dụ bước chân ra tận bến cảng, nơi có quang cảnh tráng lệ của Nhà hát Opera và Cầu cảng Sydney.

The Rocks được coi là cái nôi của nước Úc văn minh, nơi thành lập thuộc địa đầu tiên của thực dân Anh, với một bề dày lịch sử thuộc loại phong phú nhất Úc. Bên cạnh những kiến trúc cổ, lịch sử còn để lại cho The Rocks một nền văn hoá ẩm thực phong phú không kém, với những các quán cà phê và nhà hàng thuộc loại kiểu cách và sang trọng nhất Sydney - nơi hành nghề của nhiều đầu bếp lừng danh.

Đi dạo The Rocks, Lem "phụng phịu" vì mệt và đói


Tiếp năng lượng ở Circular Quay


Gặp bà ngoại


Lem ngủ gà ngủ gật cả buổi chiều, trong lúc mẹ đi chợ. Mẹ vừa đi chợ về thì cũng là lúc dì Hương báo tin bà ngoại đã hạ cánh ở Sydney. Vậy là ba mẹ con chỉ còn mỗi việc, tắm rửa, sửa soạn, để sang gặp bà.

Đương nhiên, thời điểm bà ngoại và Lem gặp lại nhau sau một năm rưỡi xa cách vẫn là thời điểm cảm động và được mong chờ nhất. Vừa bước vào sảnh khách sạn, Lem có vẻ nhận ra bà ngay và đi về phía bà, rồi rụt rè ngả vào vòng tay rộng mở của bà. Hai bà cháu ríu rít ôm ấp, hôn hít, hỏi thăm nhau. Mắt ai cũng long lanh vì hạnh phúc. Bà mừng rỡ dắt Lem đi chào các ông các bà trong đoàn. Nhân viên quản lý khách sạn đang đón tiếp đoàn liền tới bên và mời Lem tới nhận quà của khách sạn - món quà nhỏ là một chú koala trong trang phục dân tộc, với mũ Ạkubra và áo gi-lê da thuộc có ghi tên khách sạn, và đeo lủng lẳng chiếc didgeridoo bé xíu. Trong khi mọi người tay bắt mặt mừng, mẹ vẫn không quên rời mắt khỏi chiếc ba lô đựng đồ ăn to đùng mà mẹ đã vác theo và đang nằm trơ chọi cạnh chiếc ghế sô-pha ngoài tiền sảnh ...

"Con yêu bà lắm!"


Bên của sổ khách sạn


Tối hôm ấy, nhóm làm việc của bà ngoại quây quần bên mâm cơm "dã chiến" trong phòng ngủ khách sạn, với đầy đủ cơm gạo tám nóng hổi, cà pháo dầm ớt chua ngọt, vịt quay, thịt quay ròn, xá xíu, cải Thượng Hải luộc sơ chấm xì dầu, và nho hồng tráng miệng. Bát đĩa và dao dĩa ăn được mẹ hỗ trợ từ bếp của khách sạn nơi mẹ con mình ở. Mọi người tập trung ở phòng bà rất đông, ăn uống, làm quen, thăm hỏi nhau rôm rả. Nhiều cô chú xa Việt Nam lâu ngày cũng tranh thủ đến khách sạn để gặp gỡ người thân. Gặp bữa, ai nấy đều không ngại ngùng ngồi xuống dùng cơm cùng. Bữa cơm thân mật cứ thế kéo dài đến khuya...

"Phong tục" nấu ăn trong khách sạn năm sao có vẻ thật là lạ lùng, phải không con? Vậy mà với mẹ, điều đó lại chẳng lạ lẫm chút nào. Thứ nhất, nói là nấu, thực ra chỉ có việc cắm nồi cơm và luộc rau thôi, còn lại đều là đồ ăn mua sẵn cả. Thứ hai, các đoàn ngoại giao đi công tác thường xuyên và qua nhiều nước, nên việc có được một bữa cơm nhà giản dị và hợp khẩu vị là điều có vẻ như rất xa xỉ. Càng những người ở cương vị cao hoặc lớn tuổi hơn càng ngại đi ra ngoài ăn. Người đơn giản thì ăn mì tôm (chỉ cần một ấm nước sôi và một bát mì ăn liền!). Còn người chu đáo như bà ngoại mình thì thường mang theo nồi cơm điện và đồ khô, đến nơi gần như chỉ việc đun nước và mua thêm rau. Một điều quan trọng nữa, đó là chính là ý nghĩa về bữa ăn của người Việt mình.

Với người Việt, "lời chào cao hơn mâm cỗ". Với người Việt, một bữa ăn quây quần theo kiểu gia đình vẫn đầm ấm và đáng quý hơn gấp nhiều lần so với việc đi ăn ở nhà hàng, chưa kể đến việc dùng đồ ăn nhanh. Người Việt thích ăn uống trong không gian kín đáo và yên tĩnh của gia đình, với những món ăn được nấu nướng tinh xảo dưới bàn tay khéo léo và đảm đang của người phụ nữ trong nhà, thay vì ăn uống ở nơi công cộng, ồn ào và huyên náo. Người Việt thích được ăn những món "khoái khẩu", mà khẩu vị của mỗi món có thể khác biệt theo truyền thống của mỗi nhà, mỗi vùng. Điểm này thì khó có quán ăn nào, dù bình dân hay sang trọng, ở nơi đất khách có thể đáp ứng được.

Mẹ nhớ lại kỷ niệm trong một chuyến đi châu Âu của mẹ. Vì lịch trình công tác của đoàn ở châu Âu khá sát sao, nên không ai tự nấu ăn, mà tới đâu đoàn cũng đã được đặt chỗ sẵn tại một nhà hàng Tàu hoặc Việt nào đó. Trong đoàn có bác Ba (mẹ tạm gọi như vậy), là Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị của một Tổng công ty Nhà nước tầm cỡ. Mỗi lần tới nhà hàng, mẹ lại thấy bác lấy ra một chai nước mắm Phú Quốc mang nhãn hiệu mà bác ưa thích. Vừa kéo ghế ngồi, việc đầu tiên là bác Ba yêu cầu nhà hàng lấy cho một cái bát sạch, và tỉa vào đó vài lát ớt. Rồi bác lôi chai nước mắm của bác ra (từ đâu thì mẹ chịu :)!), nhỏ vào cái bát nước chấm trắng tinh điểm mấy lát ớt đỏ ấy vài giọt nước mắm quê nhà. Rồi bác lấy một đôi đũa sạch, ngoáy ngoáy vài cái, vừa đủ cho nước mắm quyện lấy cái tinh chất cay thơm lừng của ớt tươi mới cắt. Rồi bác đưa đầu đũa lên miệng nếm thử đánh "chụt" một cái, rồi ngửa đầu ra sau hít hà ... nhìn đến là thèm ... Chẳng vậy mà mấy cô chú, ông bà, trong đoàn đã mấy lần định đưa chai nước mắm của bác Ba ra đấu giá, có người còn đòi đánh đổi bằng mấy chai rượu tây. Ai cũng khen bác Ba "sành điệu"! Mẹ cũng nghĩ bác Ba là người sành điệu vậy!

Chừng đã khuya, có mấy người bạn rủ mẹ đi dạo phố đêm. Thế là nhân tiện, mẹ rủ bà ngoại sang khách sạn của mẹ con mình để hàn huyên với Lem, và nhờ bà cho Lem đi ngủ. Trái với mong đợi, Lem rất hưởng ứng kế hoạch của mẹ, trong khi bà ngoại thì tỏ vẻ ngại ngần. Bà bảo, đêm đầu tiên, bà sợ hai bà cháu chưa quen nhau! Ôi, bà là người đầu tiên đón Lem từ tay người đỡ khi Lem lọt lòng mẹ, vậy mà bà lại lo bà cháu lạ nhau sao? Thế là mẹ cứ mạnh dạn mời bà sang khách sạn mình, nhắn Lem đánh răng trước khi đi ngủ, rồi chuẩn bị để đi chơi. Lem cũng tỉnh bơ, lấy sách ra nhờ bà đọc, rồi nằm xuống bên bà, đầy âu yếm và tin tưởng. Khi mẹ quay về thì hai bà cháu đỡ ngủ say sưa tự lúc nào ...

Sáng hôm sau, bà ngoại dậy từ rất sớm và nhanh chóng trở về Shangri-La để chuẩn bị cho buổi họp sáng. Mẹ dậy mở cửa cho bà, rồi lại quay trở lại giường ngủ. Được một lúc, mẹ đang lơ mơ trong chăn ấm thì thấy có hai bàn tay bé xinh đang gỡ gỡ tấm chăn mỏng phủ gần kín mặt mẹ. Khuôn mặt mẹ vừa lộ ra khỏi chăn, có lẽ đã nhận ra đó không phải là bà, Lem bỗng oà lên khóc. Lem mếu máo hỏi: "Bà đâu rồi?" Mẹ vừa thương vừa cảm động, trấn an Lem: "Bà về khách sạn của bà để làm việc. Chút nữa mẹ đưa Lem sang với bà nhé." Lem chừng hiểu ra, hỏi thêm: "Thế dì Hương đâu rồi?" "Dì Hương vẫn ngủ ở giường bên kia, con yên tâm nhé!" Lem có vẻ đã yên tâm, nhưng vẫn tỏ ra mong được gặp lại bà lắm. Vừa lúc đó thì bà ngoại gọi điện, mẹ kể ngay chuyện vừa xảy ra cho bà nghe. Chẳng phải kể cũng biết bà cảm động như thế nào!

Lem, dì Hương và mẹ ăn sáng rồi chuẩn bị để lại sang chơi với bà. Dịp này bà mang sang cho Lem rất nhiều quà, trong đó có cả quà của cô Yến và bác Yến (VILAF) gửi nữa. Nào sách vở Tiếng Việt, đồ chơi, váy áo, nào kẹo bánh, ô mai... Thích ơi là thích! Riêng với Lem, thích nhất vẫn là những cuốn sách mới còn thơm mùi mực. Lem dành cả buổi trưa hôm đó trong phòng khách sạn để chụp ảnh, đọc sách và vẽ vời, trong khi bà, mẹ và dì Hương thì tranh thủ chợp mắt sau một đêm dài.

Khoảng bốn giờ chiều, cả nhà mới rời khỏi khách sạn, dạo bộ qua The Rocks, Circular Quay và bắt phà sang Lunar Park.

Lem tham gia khá nhiều trò chơi, và còn trúng thưởng một chút gấu bông rất to nữa.







Sau khi dạo khắp một vòng công viên, mẹ hứng chí gửi Lem cho bà để chơi cùng dì Hương chơi thử một trò cảm giác mạnh. Chỉ toàn thanh thiếu niên tham gia trò chơi này thôi, nhưng vì mẹ nhỏ nhắn nên khi đứng xen lẫn, có lẽ chẳng ai đoán là mẹ đã là "gái một con". Hai bà cháu ngồi với nhau được một lúc lâu, cho tới khi Lem hết kiên nhẫn và chạy ra chỗ mẹ đang đứng xếp hàng (mẹ cũng đã sắp hết kiên nhẫn chờ đợi!), đòi chơi cùng mẹ. Mẹ cúi xuống dỗ dành Lem, cũng đang dụ khị mẹ bên kia hàng rào để được vào chơi, nói khẽ: "Con à, trò chơi này chỉ dành cho những người trên bảy tuổi mà thôi". Thế là Lem ngẩng lên, nhìn thẳng vào mẹ và nói rất to: "Thế thì mẹ cũng không được chơi vì mẹ đã hai chín tuổi rồi!". Mọi người xung quanh bắt đầu để ý. Mẹ ngại quá, có thể mọi người sẽ nghĩ, ai đời mẹ mà lại bỏ con đi chơi như vậy nhỉ. Vừa lúc đó thì bà ngoại chạy tới, dỗ Lem đi với bà. Tất nhiên là Lem vâng lời đi với bà rồi, cháu yêu của bà mà. Lúc mẹ và dì Hương trở lại với hai bà cháu thì thấy hai người đã vui vẻ ngồi ăn. Cũng đã đến giờ ăn tối rồi đấy!

Vậy là cả nhà ăn tối ngoài trời ngay tại Lunar Park. Thấy Lem ăn các món mà bà ngoại gọi một cách ngon miệng, bà ngoại mừng lắm. Tiếp năng lượng xong, hai dì cháu lại rủ nhau chơi tiếp vài trò nữa. Khi về đến nhà, trời cũng đã khuya lắm. Đường về khách sạn khá dốc, vậy mà được bà ngoại động viên Lem đã tự đi bộ về chứ không cần mẹ "cõng" như mọi lần. Đêm ấy, dì Hương sang ngủ với bà, còn Lem ngủ với mẹ. Được mẹ giải thích là sáng mai Lem lại được gặp bà ngoại, Lem mới yên tâm ôm cuốn sách "Mười chú bọ buồn ngủ" lên giường. Quay đi quay lại, mẹ đã thấy Lem ngủ rất say bên cuốn sách còn để ngỏ. Hôm sau mẹ nói đùa với bà ngoại, "Lem nằm đếm sâu rồi ngủ ngoan lắm bà ạ." Bà ngoại chỉ lo Lem nhớ bà, nghe mẹ nói vậy chỉ mỉm cười âu yếm.

Bà ngoại sang đón Lem từ sáng sớm, không quên làm quen với Jeff, chủ khách sạn, và chú chó Mate rất biết vâng lời.



Cả ngày hôm ấy, cả nhà chỉ quanh quẩn ở Shangri-La, nhưng chỉ riêng sự sum họp cũng đã đủ làm cho mọi người rất vui vẻ và thỏa mãn. Lem cứ một mình chơi tha thẩn mà không đòi hỏi bất kỳ một sự quan tâm quá đáng nào. Quá trưa, cả nhà Chinatown ăn đồ Việt rồi tản bộ ra Darling Habour ngoạn cảnh. Trời quá nắng và nóng, thế là mấy bà cháu mẹ con liền đáp monorail đi liền hai vòng quanh Vịnh, cũng vừa kịp lúc về khách sạn chuẩn bị hành lý để ra máy bay, bởi chiều tối thì ba mẹ con mình đã phải chia tay bà ngoại rồi.

Trong lúc dọn dẹp hành lý, mẹ tranh thủ gặp gỡ với một vài người bạn. Trong đó có người bạn mà mẹ đã quen từ thời đại học, hơn mười năm rồi. Cô Lan bảo, đúng là quả đất tròn. Nhiều khi ở giữa Hà Nội thì lại ít gặp mặt nhau, chỉ đến khi đi công tác hoặc ra nước ngoài thì mới có dịp hàn huyên. Cô Lan tiễn mẹ và kéo giúp hành lý ra tận của taxi. Lem ríu rít chia tay với bà ngoại ... Hẹn gặp lại bà vào một ngày gần nhất.

Không có nhận xét nào: