Ngày 5 (29/12): Coffs Habour - Byron Bay - Surfers Paradise
Vùng biển Coffs Habour là nơi gặp gỡ của các dòng hải lưu nhiệt đới và các dòng ôn đới (Điều này giải thích tại sao chiều hôm qua Lem và mẹ lại thấy ngoài vịnh tập trung nhiều loại cá đặc biệt đến thế). Từ chỗ nghỉ đi ra biển rất gần. Chơi được một lúc, bố mẹ đều cảm thấy biển đây có gì đó là lạ. Sóng đánh oàm oạp vào bờ từ nhiều chiều khác nhau tạo thành vô khối chỗ nước xoáy. Trong khi đó có chỗ nước lại nông và phẳng lặng như hồ bơi. Thì ra, chỗ cả nhà đứng là cửa sông, nơi nhánh sông Coffs (Coffs Creek) hòa mình vào biển. Muốn đi ra bãi biển chính, bãi Park Beach, thì phải đi bộ thêm một đoạn nữa. Bãi cát trải dài lấp lánh những viên sỏi trắng tinh nhỏ xíu. Lem liên tưởng ngay tới con đường sỏi dưới ánh trăng của Hansel trong câu chuyện cổ tích của anh em nhà Grims, "Hansel và Gretel", cuốn sách ưa thích nhất của Lem trong suốt chuyến đi.
Bố mẹ và Lem mải mê chơi mà không nhận ra thấm thoát mặt trời đã đứng bóng. Hôm nay cả nhà quyết định lại làm một bữa picnic trong công viên. Bố lái xe vào thành phố. Khu phố thương mại chính của Coffs Habour cũng tấp nập chẳng khác gì ở các thành phố lớn. Mẹ vào siêu thị một lúc và quay trở ra với một bữa trưa thịnh soạn.
Công viên những ngày cuối năm không vì thế mà vắng người. Lác đác cũng có hai ba gia đình đang quây quần ăn picnic. Bố mẹ và Lem vui chơi được một lúc thì có một nhóm người Hoa rất đông cũng dừng chân tại công viên nghỉ trưa, và nhân tiện đến bắt chuyện với bố để hỏi đường. Họ cho biết họ có thiết bị định vị toàn cầu, nhưng vô ích vì họ không rõ điểm đến của họ là ở đâu. Gia đình mình không có GPS, chỉ có sách bản đồ, vậy mà tới giờ chưa đi lạc lần nào, kể ra cũng cừ đấy chứ!
Giá mà hẹn gặp được hai gia đình nhà em Jeff và hai anh em John-Jessica thì có lẽ nhà mình sẽ nấn ná ở lại thêm chút nữa. Nhưng đành phải hẹn dịp khác vậy (Sau này mẹ mới phát hiện ra mẹ không có số điện thoại chính xác của mọi người, vậy biết tìm nhau ở đâu giữa bãi biển đông người thế này?).
Cực Đông của châu Úc lục địa
Rời Coffs Habour, cả nhà quyết định phóng thẳng một mạch đến Gold Coast, vì xem chừng đường không còn xa nữa. Song, mới hơn sáu giờ chiều cả nhà đã có mặt ở Byron Bay. Bố cẩn thận nhắc mẹ kiểm tra bản đồ để biết chắc rằng đường vào Mũi Byron (Cape Byron) không quá xa, tránh việc cả nhà sẽ không mất quá nhiều thời gian ở đây (giống như hồi đi Nelson Bay). Tất nhiên, lần này đường đi tuyệt đẹp - Thật bõ công cả nhà đã ghé thăm địa danh được cả nước Úc coi là "miền đất hứa" này.
Byron Bay nổi tiếng là chốn ăn chơi cao cấp thu hút nhiều du khách. Bên cạnh sự mời gọi của những bãi biển trải dài, thời tiết ôn hòa, không gian xanh tươi và thoáng đãng ... là phong cách sống hưởng thụ, theo kiểu siêu thoát và "hữu cơ". Byron Bay cũng nổi tiếng là điểm quy tụ của nhiều bất động sản thuộc loại đắt nhất Úc.
Mũi Byron là điểm cực đông của lục địa châu Úc. Bởi vậy mà cây đèn biển có tuổi thọ bằng với tuổi của nước Úc kể từ khi thành lập liên bang, sừng sững trên Mũi Byron, được coi là cây đèn biển xa nhất về phía đông của Úc. Bởi vị trí quan trọng của nó, cây đèn biển này còn có ngọn đèn sáng nhất trong số các ngọn hải đăng của Úc. Người ta có thể dễ dàng lái xe lên tham quan ngọn hải đăng này; muốn đỗ xe ở đó phải mất $8. Bằng không, khách tham quan có thể đỗ xe ở dưới không mất tiền, rồi đi bộ lên chừng 300 mét. $8 để được thoả thích ngắm biển, chụp ảnh "mỏi tay" và chạy nhảy trên những bãi cỏ được chăm sóc cẩn thận ... thật ra không hề xa xỉ chút nào.
Vì Lem ngủ suốt chặng đường lên núi nên khi đến nơi, Lem hơi "khó tính" một xíu, và nhất quyết không cho mẹ chụp ảnh. Lem chỉ hào hứng khi có người khác chụp hộ cho cả bố, mẹ cùng Lem mà thôi. Lem còn biết chủ động gợi ý mẹ nhờ người chụp ảnh cho cả nhà khi gặp một cảnh trí đẹp nữa chứ. Biết Lem không khoái chụp ảnh một mình, mẹ đành sử dụng máy cơ để chụp ảnh phong cảnh.
Cảnh biển ở Byron Bay là một nguồn cảm hứng vô tận. Từ trên Mũi Byron, người ta có thể phóng tầm mắt ra cả bốn phương mà hầu như không hề gặp một chướng ngại vật nào. Dưới chân núi, vịnh Byron hòa vào biển Nam Thái Bình Dương, nước xanh thăm thẳm tới chân trời. Giữa thiên nhiên hùng vĩ, con người sao cảm thấy sao mình nhỏ bé và không đáng kể đến thế. Phía đằng Tây, mặt trời đang vớt vát những tia nắng cuối cùng. Ánh nắng chiếu qua những đụn mây lớn (hình như hôm nay biển động!) chỉ đủ để làm sáng từng vùng nhất định dưới mặt đất. Khu đất nào được mặt trời chiếu vào thì sáng rực lên trông giống như bài trí trên một sân khấu nhà hát vậy. Mẹ chỉ cho Lem những tia nắng có thể nhìn thấy được bằng mắt thường, và Lem rất lấy làm thích thú vì điều đó.
Mặt trời sắp lặn. Trời lại lắc rắc mưa và trở lạnh. Trước khi ra về, Lem vẫn còn quyến luyến không muốn chia tay với chú dê núi đang lang thang một mình trên các mỏm đá ngoài vách núi mà mọi người vừa phát hiện ra và đang tò mò theo dõi. Bản thân mẹ cũng chưa muốn ra về, vì thiên nhiên luôn đem lại cho mẹ một cảm giác thư thái và nhẹ nhõm khác thường. Nhưng về thôi ... và hành trình lại tiếp tục.
Thành phố "NO VACANCY"
Lần cuối cùng mẹ thăm Gold Coast là gần mười năm về trước. Gold Coast ở sát ngay biên giới giữa New South Wales và Queensland, điều mà trước đây mẹ không hề để ý; Gold Coast rộng lớn và sầm uất hơn trong trí nhớ của mẹ rất nhiều.
Điều làm Lem chú ý đầu tiên khi xe mới bắt đầu đi vào Gold Coast là một cây thông No-en khổng lồ có treo lủng lẳng những gói quà lớn được trồng ở giữa một cái bùng binh đông đúc xe cộ và người qua lại. Mẹ không biết chính xác (vì lúc đó đang ngủ lơ mơ), nhưng có lẽ nơi đó là Burleigh Heads, trông cũng khá nhộn nhịp và sầm uất.
Gold Coast Highway chạy song song suốt dọc ba mươi lăm cây số của liên tiếp các bãi biển nổi tiếng với bờ cát trắng mịn, nước xanh trong, và sóng tung bọt trắng suốt ngày đêm. Bố cho xe chạy thong thả qua Palm Beach, Miami Beach, Mermaid Beach, Broadbeach, và, kia rồi Surfers Paradise rực rỡ ánh đèn điện của các toà nhà cao chọc trời đã hiện ra trước mắt. Nhiều người ví Surfers Paradise với Miami hay Las Vegas. Còn mẹ, vì chưa bao giờ tới Mỹ, thì thấy khu phố trung tâm chật chội và đầy khách du lịch này lại giống Hongkong hơn (nếu không kể đến bãi biển dài). Dù sao thì Surfers Paradise cũng có một nét riêng không thể nhầm lẫn với các thành phố du lịch khác của Úc.
Bố đỗ xe, rồi cả nhà dạo bộ dọc Cavill Ave và Orchid Ave trước khi dừng chân tại một Nhà hàng Hải sản Trung Hoa để dùng bữa tối. Bố và mẹ nhớ lại, cũng khá lâu rồi cả nhà được ăn một bữa cơm Á ngon lành, nóng hổi và quen thuộc đến thế. Trong lúc xếp hàng chờ xếp chỗ ngồi, mẹ đảo mắt nhìn quanh. Quán xá nào ở đây cũng rất đông khách - khách du lịch đủ mọi màu da và nói nhiều thứ tiếng.
Lem được đi chơi thì tất nhiên là vô cùng khoái chí. Trời khá lạnh nhưng Lem chẳng hề muốn mặc áo ấm, ăn uống rất ngon miệng rồi nhanh chóng chạy ra ngoài chơi. Bố đưa cả nhà đi một vòng ra biển. Trời đã khá muộn. Biển đêm vắng người ... Lem lại ngủ thiếp đi trên xe.
Có một điều bố mẹ không lường trước được, đó là thời gian này đặt phòng khách sạn vô cùng khó khăn. Toàn bộ các khách sạn, nhà nghỉ ở Surfers Paradise và xung quanh đều đã kín chỗ. Bố dong xe đi ngược lại Gold Coast Highway, vừa thất vọng vừa buồn cười, vì tất cả các nhà nghỉ ở Gold Coast đêm nay, dù sang trọng hay bình dân, đều đã đồng loạt trưng biển đổi tên thành "NO VACANCY"!
Đi mãi, đi mãi, xe đã quay trở lại biên giới Coolangata - Tweed Heads lúc nào không hay. Trời chỗ mưa chỗ tạnh, đúng kiểu thời tiết mùa mưa vùng nhiệt đới. Loanh quanh một hồi bố cũng tìm thấy được một công viên dành cho các nhà nghỉ lưu động (caravan park). Phòng tiếp tân đã đóng cửa. Bố và mẹ bàn bạc, cứ chạy xe vào tìm chỗ cắm trại, rồi sáng mai ra thanh toán với người quản lý cũng được. Nhưng thật không may, khu vực cắm trại tư nhân này cũng mang tên "HẾT CHỖ"! Bố lại lái xe trở ra.
Thành phố im lìm, quang tạnh. Chỉ nghe thấy những giọt nước mưa đọng trên ống máng mái nhà rơi tí tách, và tiếng xào xạc của lá cọ mỗi khi gió thổi qua. Đã quá nửa đêm. Bố mẹ quyết định hạ trại bên dòng sông Tweed.
Đêm ấy, mẹ nằm đếm sao - bên cạnh là tiếng thở đều, tin tưởng và bình thản, của hai bố con - trước khi ngủ thiếp đi sau một chuyến đi dài.
Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2008
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét