Thứ Ba, 8 tháng 1, 2008

Waltzing Matilda ...

"Waltzing Matilda" là bài hát dân gian phổ biến đã từng được khuyến nghị là bài quốc ca không chính thống của Úc. Chuyến đi của Lem và bố mẹ có lẽ chẳng có gì liên quan đến bài hát này nếu tên của bài hát không có một ý nghĩa đặc biệt, và khá phù hợp với hình thức của chuyến đi.

"Waltz Matilda" được hiểu là du hành kiểu dân dã (với Lem và bố mẹ là "du lịch") một cách giản dị và gọn nhẹ, chỉ với những hành trang thiết yếu nhất được gói ghém gọn gàng trong một tấm chăn nhỏ mang theo người (với Lem và bố mẹ thì hành trang được chất sau thùng xe)*. Nhưng có lẽ điều quan trọng nhất để chuyến đi thành công vẫn là sự gắn bó và đồng tâm của ba thành viên trong gia đình nhỏ bé của chúng ta đó Lem.

Chuyến du lịch không được lên kế hoạch một cách tỉ mỉ nhưng đã được Lem đón đợi từ rất lâu. Rất tiếc chuyến đi này dì Hương không được tham gia vì dì Hương đã mua vé máy bay về Việt Nam từ hồi giữa năm. Lem đã an ủi dì: "Con sắp đi du lịch. Dì Hương về Việt Nam thì không được đi du lịch với con. Nhưng về Việt Nam cũng là đi du lịch, chỉ khác là hai nơi du lịch khác nhau thôi." Phải rồi, dì Hương về lại Hà Nội đang giữa mùa đông lạnh giá để chuẩn bị đón Tết quê hương. Còn Lem, Lem sẽ tới thăm nhà hát Opera House hình con sò nổi tiếng và xem pháo hoa đón giao thừa trên cầu Sydney Habour Bridge, cảnh tượng mà Lem vẫn thường xem mỗi ngày trong cuốn truyện tranh "Are we there yet? - A journey around Australia", cũng là cuốn sách gây cảm hứng chuyến đi cho cả bố và mẹ nữa.

Ngày 1 (25/12): Melbourne-Canberra

Sáng sớm Ngày Giáng sinh, cả nhà xuất hành. Trước tiên là đưa dì Hương ra sân bay về Việt Nam; đúng 12h30 chiều, bố mẹ và Lem cho xe tăng tốc trên quốc lộ Hume Highway thẳng lên phía Bắc.

Điểm dừng chân đầu tiên vào khoảng 3h30 chiều, cả nhà vẫn chưa ra khỏi Victoria nhưng đã cảm thấy bụng đói cồn cào bởi đằng sau xe là mấy phần thịt bò và rau củ nướng của bữa ăn Giáng sinh còn để dành đang vẫy gọi. Bố bật lò nướng BBQ, còn mẹ lo trải giấy nhôm và rót dầu chuẩn bị nướng thịt. Thịt nướng xong cũng là lúc lũ ruồi "đồng quê" kéo tới đông đủ để trình diện. Khiếp hãi (thực sự là như thế!) vì lũ ruồi đói bướng bỉnh, cả nhà vội vàng dọn dẹp bếp ăn và kéo nhau vào trong xe để thưởng thức bữa trưa. Mẹ đảm bảo là không có con ruồi nào kịp lọt vào trong xe hay thậm chí vào thức ăn, nhưng dù sao đó cũng là một sự kiện không thú vị chút nào, cho dù lũ ruồi "đồng quê" này trông khá sạch sẽ như môi trường của chúng vậy. Ăn xong, Lem hồn nhiên chơi trò "follow-the-leader" với mẹ dưới ánh nắng hè chói chang, trước khi tạm biệt tiểu bang để qua biên giới New South Wales.

Ngày Giáng sinh có khác, cửa hàng cửa hiệu đóng im ỉm. Suốt dọc đường, các hoạt động của Lem là luân phiên đọc sách, nghe nhạc, tập viết và vẽ. Lem đã viết được những chữ dài như TIGER, PRINCESS theo gợi ý của mẹ. Lem còn tự ngồi nghĩ ra các từ và viết đầy một trang giấy nhỏ những chữ mà Lem đã quen thuộc.

Thấm thoát cả nhà đã đi qua biên giới và chẳng bao lâu chiếc vỏ tàu ngầm màu đen, tiêu điểm của thị trấn Holbook (NSW), đã hiện ra trước mắt, nghiêng nghiêng trên bãi cỏ xanh trong ánh nắng chiều. Holbrook không chỉ đặc biệt bởi sự hiện diện của phần nổi của chiếc tàu ngầm HMAS Otway (S-59) đã từng phục vụ Hải Quân Hoàng Gia Úc từ những năm 60, 70 cho đến khi con tàu yên nghỉ ở công viên Germaton này vào năm 1997. Holbrook là thành phố duy nhất còn duy trì bộ đèn giao thông (dành cho người đi bộ) trên suốt tuyến đường quốc lộ từ Melbourne đến Sydney. Dự kiến phải đến 2012 người ta mới xây dựng đường vượt (bypass) để tránh bộ đèn này.





Ngồi lâu trên xe nên Lem vô cùng khoái chí khi thoải mái chạy nhảy trên bãi cỏ rộng, giữa những chú vẹt cổ hồng mũm mĩm và thân thiện. Lem thoăn thoắt trèo cầu thang lên tàu, không những thế lại còn hướng dẫn bố mẹ đi làm sao cho khỏi ngã, và mặc nhiên trườn bằng lưng men theo chỗ thân tàu hẹp ở độ cao hai mét trước con mắt lo lắng của bố mẹ. Bố mẹ hay lo lắng đó thôi, chứ mẹ nghĩ, cứ thường xuyên phải đặt Lem vào những tình huống như thế để con mài sắc sự tự tin và lòng dũng cảm của mình chứ, con nhỉ. Lem còn tự tin cầm lấy máy ảnh, sửa lại dáng đứng của mẹ và điệu cười của bố trước khi chụp, điều mà Lem sẽ làm một cách tự nhiên giúp bố mẹ trong suốt chuyến đi.

Ngắm mắt trăng mọc trên đường tới Yass, gần Burrinjuck

Đây cũng là một ví dụ cho chuyện, một điều không may bỗng nhiên biến thành một cơ hội hiếm có. Chiều hôm đó mẹ đổi lái cho bố, vì quá tập trung vào việc lái xe nên mẹ quên không dừng lại lấy xăng khi đồng hồ báo xăng đã cạn quá nửa bình. Và việc gì phải đến đã đến, cả nhà phải dừng lại giữa đường để đợi NRMA cho người đến tiếp xăng. Cũng may bố dừng lại đúng dưới biển chỉ đường (chỉ còn một cây số nữa là đến lối rẽ về Burrinjuck) nên rất tiện cho việc hướng dẫn nhân viên NRMA đến tận nơi. NRMA cho biết phải gần một tiếng đồng hồ nữa người tiếp xăng mới tới nơi - thử tưởng tượng xem! Gió mạnh gào thét trong tiếng xôn xao của bọ rầy và muỗi ngoài cửa kính xe làm mẹ không dám nghĩ đến việc ló đầu ra khỏi cửa. Không khí lạnh của lục địa có thể cảm thấy được rõ qua lần cửa kính. Vậy là ba bố mẹ con bật đèn xe và tranh thủ dùng bữa tối với bánh gạo và cá thu.


Bố nhìn về phía xa và chỉ cho mẹ một quầng sáng sau những rặng núi. Bố bảo, có lẽ đi cố chút nữa là gặp thành phố đấy. Làm gì có thành phố nào lại sáng đến như vậy nhỉ, nhất là giữa chốn đồng quê Úc thế này. Mẹ chưa kịp trả lời bố thì nhận ra, quầng sáng đó đang ngày một lớn hơn, và ngay trên đỉnh núi xuất hiện một vệt sáng vàng đậm. Chỉ trong nháy mắt, vệt sáng đó đã hiện rõ thành một hình bán nguyệt nhỏ xíu. Trăng mọc! Lem cùng bố mẹ háo hức theo dõi một hiện tượng tự nhiên kỳ diệu rất hiếm được ngắm nhìn nơi thành phố. Trăng mười sáu! Mặt trăng nhú dần. Hình bán nguyệt đã to hơn nhiều, chẳng bao lâu đã đủ nửa vòng tròn, rồi cả mặt trăng tròn vành vạnh lộ hẳn và bay lơ lửng trên đỉnh núi. Trăng mới mọc có màu vàng đậm - khi màu vàng nhạt dần thì đó cũng là lúc trăng lên cao dần, thấm thoát phải ngước mắt nhìn mới thấy*. Lem "điềm tĩnh" (so với mẹ đang "tíu tít" tận hưởng từng giây phút lãng mạn hiếm có) ngắm trăng, và nhận xét (bằng tiếng Anh), "Đôi khi trăng sẽ đi theo mình đấy, mẹ ạ". Con nói đúng lắm, còn mẹ sẽ nợ con câu hỏi "Tại sao mặt trăng không có cánh mà lại bay được trên trời?"***.

Cả nhà tiếp tục lên đường. Lem thích thú đi cùng trăng được một lúc thì chia tay trăng để đi ngủ. Mẹ cũng thiếp đi; chỉ còn bố nhẫn nại sau tay lái. Đêm đó ở Canberra, cả nhà quây quần nghỉ ngơi sau một chuyến đi dài.

(Còn tiếp)

* (Trưng bày tại Bảo tàng Brisbane) Bài hát do nhà thơ và nhà ái quốc Banjo Paterson viết lời năm 1895 và giai điệu được xuất bản năm 1903. Tại thị trấn Winton, Queensland còn có hẳn một bảo tàng gọi là Waltzing Matilda Centre. Năm 1977, Chính phủ Fraser tổ chức trưng cầu dân ý để chọn quốc ca cho Úc. Bài quốc ca hiện tại "Advance Australia Fair" đã "đánh bại" "Waltzing Matilda" trong cuộc bình chọn quan trọng này, nhưng không vì thế mà bài hát này đánh mất sự hấp dẫn và cảm tình của không chỉ người dân Úc mà cả thế giới.

** Mặt trăng đổi màu là do tác động của tầng khí quyển trái đất. Là một hành tinh không có sự sống, bề mặt mặt trăng thực ra có màu xám nhạt. Nhưng khi nhìn từ trái đất, mặt trăng phản chiếu ánh sáng của mắt trời nên có màu vàng nhạt. Vào mỗi thời điểm khác nhau và ở các vị trí khác nhau, do tác động của ánh sáng mặt trời cũng như khí quyển trái đất thay đổi nên ta có thể nhìn thấy mặt trăng với nhiều màu sắc khác nhau. Ngoài ra, khi mặt trăng mới mọc, tức là dưới góc nhìn của ta thì mặt trăng ở gần đường chân trời, ta nhìn mặt trăng qua lớp khí quyển đậm đặc của trái đất nên sẽ thấy mặt trăng đậm màu. Khi mặt trăng đã lên cao, ta sẽ thấy màu của trăng nhạt đi. Kỳ thực khoảng cách giữa trái đất và mặt trăng cũng như màu của mặt trăng không thay đổi, mà sự thay đổi này là do thị giác của người ngắm trăng.

Tương tự như vậy, khi mặt trăng còn gần đỉnh núi, ta sẽ thấy mặt trăng to hơn nhiều so với khi trăng đã lên cao. Giải thích một cách đơn giản, đây cũng là ảo giác của mắt. Nếu ta đặt một vật ở gần một vật khác, vật đó trông sẽ lớn hơn nhiều khi nó đứng một mình. Bên cạnh đó, không khí và khí quyển cũng có thể có vai trò bẻ cong ánh sáng và thay đổi kích cỡ hình dạng của một vật. Ngoài ra, vì mặt trăng quay theo một quỹ đạo hình ellip nên sẽ có thời điểm mặt trăng ở gần trái đất nhất (perigee) và có thời điểm trăng ở xa trái đất nhất (apogee). Vào thời điểm mặt trăng ở gần nhất, thực tế ta sẽ nhìn thấy mặt trăng to hơn bình thường. Tuy nhiên, sự khác biệt này lại khó có thể nhìn thấy bằng mắt thường nếu không có kính viễn vọng.

***Câu hỏi này thì đích thị là câu hỏi về trọng lực/lực hấp dẫn và chuyển động của Newton và thuyết tương đối của Einstein đây, con gái yêu ạ. Newton phải ngoài hai mươi tuổi mới đặt ra câu hỏi, "Lực nào đã giúp mặt trăng di chuyển theo quỹ đạo quanh trái đất?". Còn con, con chưa đầy 4 tuổi mà?

Theo mẹ hiểu, và nói một cách ngắn gọn, thì mặt trăng bay lơ lửng "trên bầu trời trái đất" là nhờ có trọng lực hay lực hấp dẫn của trái đất. Bản thân mặt trăng cũng có trọng lực, mặc dù không đáng kể so với trái đất vì mặt trăng là hành tinh nhỏ hơn. Tuy nhiên, khi trái đất hút mặt trăng về phía mình, gia tốc của lực hút và vận tốc của mặt trăng tạo ra các lực tương tác, giúp cho mặt trăng không bị rơi thẳng về phía trái đất, mà chỉ quay theo một quỹ đạo nhất định quanh trái đất. Tương tự như vậy, hành tinh trái đất và các hành tinh khác trong Hệ mặt trời cũng quay quanh quỹ đạo của mặt trời nhờ lực hấp dẫn của mặt trời. Ngoài ra còn tồn tại các lý thuyết về động lượng (momentum), quán tính (inertia), ma sát (friction), vận tốc (velocity), khối lượng (mass), gia tốc (acceleration), vận tốc ánh sáng v.v... mà bản thân mẹ cũng không biết hết được. "Khoản" này chắc mẹ lại phải nhờ Lem tìm hiểu giúp mẹ nhé?!

Không có nhận xét nào: