Như thường lệ, những ngày nghỉ cuối tuần trôi qua một cách êm đềm. Nếu bố mẹ không gợi ý việc đi chơi, thì Lem cũng vẫn hài lòng với việc chỉ quanh quẩn ở nhà, với sách vở và những chú thú bông yêu quý của mình. Có vẻ không bao giờ Lem cạn ý tưởng ... Lúc nào Lem cũng nghĩ ra một trò gì đó để tự mua vui, đồng thời thoả mãn nhu cầu khám phá của mình, mà không làm phiền đến bố mẹ (Mặc dù bố mẹ không hề yêu cầu điều đó!)
Chiều chủ nhật. Chỉ còn mấy tiếng nữa là hết ngày nghỉ. Bố mẹ và Lem liền "khăn gói" vào trung tâm thành phố. Trời quang, mây tạnh, nhưng lạnh se. Chuẩn bị tiễn mùa thu đi mà ...
Chợ thủ công mỹ nghệ bên sông Yarra chỉ họp một lần một tuần vào các ngày Chủ nhật. Đương nhiên là Lem bị hấp dẫn ngay bởi các quầy hàng thủ công. Lem dừng lại rất lâu bên quầy bán các con giống bằng sắt. Những thanh sắt được cắt, uốn, hàn, sơn ... một cách nghệ thuật thành hình những con giống có đôi chút cách điệu và cá tính. Cạnh đó là quầy mũ len đan bằng tay. Chỉ tiếc rằng những chiếc mũ hình con giống mà Lem rất thích không có cái nào vừa cỡ đầu Lem. Bước qua hàng mũ len, Lem kéo mẹ dừng lại bên quầy đồ trang sức bằng ngọc trai. Chủ quầy thân thiện trao cho Lem một chiếc vỏ trai màu đen nhánh, dường như để minh họa cho câu chuyện ông kể về nguồn gốc những đôi khuyên tai ngọc trai đen trang nhã đang bày trong tủ kính. Chàng trai tóc vàng đứng trông quầy hàng trầm hương gần đó cũng tử tế và kiên nhẫn không kém khi đón tiếp cô khách hàng nhí này. Anh cúi thấp người để hướng dẫn Lem cách thử hàng. Lem hào hứng hít hà từng thanh nước hoa khô. Cuối cùng, Lem chọn một thanh boronia (một loài cây bụi của Úc thuộc họ Cửu lý hương) trong số các bốn loại hương được trưng bày, gồm có gỗ đàn hương (sandalwood), hoa hồng (rose), cam bergamot, và cửu lý hương. Dường như vẫn chưa thoả mãn, Lem còn rủ bố mẹ nấn ná một lúc ở cửa hàng tranh gỗ phong cách thổ dân - một chủ đề mà Lem đã từng được làm quen ở lớp Mẫu giáo - trước khi theo chân bố mẹ vào bảo tàng mỹ thuật.
Bố mẹ và Lem có tất cả ba tiếng để khám phá ba tầng lầu của nhà triển lãm. Ngay ở lối vào tầng một là lời chào mừng lịch lãm được in đậm trên nền bức họa Buổi khiêu vũ ở Moulin de la Galette (Le Bal au Moulin de la Galette) của Pierre-Auguste Renoir. Dòng chữ viết: "Khi ở Melbourne, ai cũng trở thành nghệ sĩ" ("You are an artist when you are in Melbourne").
Thời gian trôi qua nhanh ... Cả buổi chiều hôm nay trở thành cuộc khám phá bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật châu Âu thế kỷ XVIII - đầu XX của riêng Lem. Nói là của riêng Lem nhưng mẹ cũng hứng thú không kém gì Lem đâu nhé. Nhờ có Lem, mẹ mới học được cách thưởng thức hội họa qua con mắt trẻ thơ. Làm thế nào để Lem có thể dành cả gần nửa tiếng đồng hồ để chiêm ngưỡng bức sơn dầu của Edwin Landseer về "Titania và Bottom - Phân lớp trong vở kịch Giấc mộng Đêm hè*" vậy nhỉ? Nếu không phải là câu chuyện huyền bí về Titania - bà chúa xinh đẹp của các nàng tiên - đã khơi gợi sự tưởng tượng của Lem, thì cũng là cái tên khá ngộ nghĩnh của Bottom - tình yêu định mệnh của Titania trong một giấc mộng đêm hè - đã khiến cho Lem mỉm cười một cách tinh nghịch mỗi khi cái tên đó được nhắc đến. Công việc của Lem còn là ngồi đếm xem có những con vật nào có mặt trong tranh. Tác phẩm của Landseer lôi cuốn Lem bằng những cánh bướm trong suốt, mỏng mảnh như sương khói, bằng đôi thỏ ngọc lông trắng muốt và mắt long lanh như những viên hồng ngọc, bằng mặt trăng tròn đầy lấp ló như chơi trốn tìm sau rặng núi, và những vì sao lung linh xa xôi... Cứ như thế, Lem dẫn mẹ đi từ những bức sơn dầu mang không khí thần thoại của John William Waterhouse và những bức màu nước về phong cảnh đồng quê dung dị của Frederick Walker, đến những bức tượng đồng khỏe khoắn của Antoine-Louis Barye và những tác phẩm điêu khắc lịch lãm, lãng mạn của phong cách Auguste Rodin ... một cách đầy hào hứng và tò mò. Lem tỏ ra rất nhanh nhạy trong việc nhận biết các bức họa mà mẹ đố Lem tìm (dựa theo cuốn sách hướng dẫn của bảo tàng dành riêng cho thiếu nhi).
Những tác phẩm để lại ấn tượng cho Lem nhất gồm có "Titania and Bottom", "The Thinker" (Le Penseur), "Kissing Babies" (tác phẩm của Rodin?) và "The Ladder" (Tác phẩm chiếc thang dài bất tận bằng chất liệu sợi quang và kính mà tên nghệ thuật là "Tender are the stairs to heaven" (Dịu dàng sao những bậc thang dẫn đến thiên đường)) của nghệ sỹ đương đại Yayoi Kusama. Ngoài ra còn bộ trang phục màu đen trong bộ sưu tập thời trang ở tầng hai của bảo tàng, mà vừa nhìn thấy Lem đã nhận xét ngay rằng, rằng nó trông giống trang phục của một mụ phù thuỷ vậy (!)
***
Nguyên tắc mà Lem đã tự rút ra sau khi đi bảo tàng:
- Ở bảo tàng mỹ thuật, bạn không được chạm vào bất cứ thứ gì, nhưng có quyền quan sát tất cả mọi thứ. (... You cannot touch anything, but you can look at everything!)
** Hài kịch lãng mạn của William Shakespears (1564-1616)
Chủ Nhật, 18 tháng 5, 2008
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét