Ngày nghỉ cuối tuần là để dành nghỉ ngơi ... Điều này không phải lúc nào cũng dễ làm trong cuộc sống vốn bận rộn này. Nhưng gần đây, gia đình Lem có vẻ đã tạo ra được một thói quen dễ chịu - chỉ mong sao thói quen ấy được gìn giữ để mọi người có nhiều thời gian dành cho nhau hơn - Khi bố tha hồ ngủ "nướng" đến trưa; Lem dậy sớm nhưng nhẩn nha vẽ tranh, đọc sách chứ không phải vội vàng chuẩn bị đi học; Mẹ thì từ tốn chuẩn bị bữa sáng, bữa trưa cho Lem và cả nhà như một thú vui của mình. Và không có thú nào vui hơn là dã ngoại, trở về với thiên nhiên. Chẳng phải Henry David Thoreau đã viết nên chân lý - "That man is richest whose pleasures are cheapest" (Người giàu có nhất có những thú vui không tốn kém nhất) - đó sao?!
Yarra Bend Park là khu rừng nguyên sinh lớn nhất nằm trong lòng thành phố, và chỉ cách nhà Lem một quãng đường ngắn. Trận bão lớn vừa qua vẫn còn để lại dấu tích trong khu rừng, với đôi cây bạch đàn nhựa bị đốn ngã, lá cành xơ xác, rụng lả tả trên nền đất ẩm ướt. Song, phần lớn cánh rừng vẫn nguyên vẹn, mặc dù bề ngoài nhìn có vẻ hoang tàn, bởi vốn dĩ rừng cây bụi là phải như vậy. Những gốc cây già, vỏ bong tróc từng lớp, đứng lặng im không một tiếng thở dài, bên cạnh những gốc cây đượm nhựa đã cháy đen. Tầng tầng lớp lớp củi khô và than cháy trên nền đất có nhiệm vụ nuôi dưỡng những mầm cây mới, và là nơi cung cấp nguồn thức ăn vô tận cho động vật trong rừng.
Cả tuần vừa rồi, Lem đã để dành rất nhiều bánh mỳ cũ, để hôm nay mang ra sông cho vịt ăn. Cả một khúc sông Yarra râm ran tiếng chim trời. Chơi với vịt xong, Lem, dì Hương và bố mẹ tản bộ lên cầu, rồi men theo lối mòn đi vào rừng. Đã nhiều lần đi chơi công viên nên Lem đọc các biển hiệu một cách thành thạo, trong đó có biển báo "Có rắn". Tất nhiên, không vì biển báo rắn mà mọi người chùn bước, sau khi bố cũng phải cẩn thận kiểm tra xem mọi người đã đi giày kín hay chưa. Dì Hương và mẹ tranh thủ dù dọa nhau về rắn rết. Lem được ưu tiên ngồi trên xe đẩy, nhưng thi thoảng cũng đòi mẹ đi gần mình hơn, để giúp củng cố lòng dũng cảm...
Cây sồi đại thụ
Cuộc dạo chơi có gì đó giống như một chuyến "đi tìm kho báu" (treasure hunt). Cứ đi được một quãng, cả nhà lại dừng chân để đọc thông tin từ các trạm giới thiệu về khu rừng. Chỗ này kể về những loài chim muông và thú rừng: "Bạn hãy dừng lại và lắng nghe. Bạn nghe được bao nhiêu tiếng chim hót khác nhau?"; "Bạn hãy nhìn kỹ trong các gốc cây già nhé - Có thể bạn sẽ thấy một chú Vẹt Ngũ sắc (Rainbow Lorikeet), một chú Vẹt Cổ hồng (Red-rumped Parrot), hay một chú Cockatoo đang làm tổ ở đó đấy!"; Chỗ kia giải thích về vấn đề cân bằng sinh thái: "Những khúc củi mục nằm lăn lóc trên nền đất đã chết mà không phải là vô dụng. Đó là nơi trú ẩn và là nguồn cung cấp thức ăn cho các loài sâu bọ, mối mọt. Các loài sâu này sẽ trở thành món ăn bổ béo cho các loài chim muông trong rừng v.v...". Chỗ này kể lại trận lụt lớn hàng chục năm về trước, khi nước dâng cao đến nỗi ngập cả cây cầu cáp treo bắc ngang sông Yarra. Chỗ kia lại giới thiệu cách phân biệt các loài bạch đàn nhựa, hay sơ lược về quá trình sản xuất mật ong rừng.
Đã đến lúc cả nhà phải quay lại. Trời tối rất nhanh. Mẹ nhắc cả nhà tranh thủ hít thở thật sâu bầu không khí trong lành. Thật khoan khoái! Đôi khi mẹ cũng sợ bóng tối. Nhưng hôm nay đứng giữa rừng cây vào buổi chiều hôm không một ánh đèn, nỗi sợ hãi không hề tồn tại. Mẹ có một cảm giác được che chở rất là dễ chịu nhé. Cảm giác về sự hài hoà giữa thiên nhiên và con người. Cảm giác về sự sống luôn hiển hiện quanh đây - dù đó là con người, là cây, là chim, hay là loài sâu bé tí... Cảm giác về một sự trường tồn, tươi tốt, cho dù có sự trôi qua hay ngưng động của thời gian. Càng viết, mẹ càng nhớ lại câu danh ngôn bất hủ của Johann Wolfgang von Goethe: "Mọi lý thuyết đều là màu xám; Chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi..." ("All theory, dear friend, is grey, but the golden tree of actual life springs ever green"; Tiếng Đức, "Grau, teurer Freund, ist alle Theorie und grun des Lebens goldner Baum").
Còn Albert Einstein từng viết: "Look deep, deep, deep into nature, and then you will understand everything."
Chủ Nhật, 6 tháng 4, 2008
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét