Thứ Hai, 31 tháng 3, 2008

Lem lên Mẫu giáo lớn

Ngày đầu tiên Lem tới trường mới là một ngày cuối tháng Ba. Trời thu nắng vàng, gió hiu hiu, lá vàng rụng khẽ. Êm đềm.

Vừa bước vào qua cổng trường, Lem nhìn quanh và thốt lên:

- Thích quá! (This is fun!)

Trường ở ngay cạnh một bãi cỏ rộng thênh thang. Sân trước của trường là sân chơi. Khác với trường cũ (cũng không hẳn là "cũ" vì Lem vẫn đi học ở cả hai nơi) - nơi nhà trường đã cho đốn hết cây cổ thụ, cắt hết cỏ xanh, để trải thảm nhân tạo và lắp đặt hệ thống đồ chơi ngoài trời bằng nhựa nhiều màu sắc - trường mới của Lem vẫn giữ lại những cây bạch đàn cao tới trời, lá đổ đầy sân, những chiếc xích đu tự tạo bằng dây thừng và vỏ lốp ô tô, và những bộ đồ chơi vận động ngoài trời bằng gỗ, đã bạc nước sơn qua nhiều thế hệ học sinh mẫu giáo.

Vào lớp, gặp cô mới, bạn mới, Lem có vẻ rụt rè hơn ban đầu. Bỗng nhiên Lem trở nên rất ít nói khác thường. Cô hỏi gì cũng không nói - Lem chỉ đi quanh lớp, quan sát, ngắm nghía. Cô gọi Lem tới bên đọc sách cùng cô. Ngồi được một lúc, Lem xin phép vẽ tranh và tự động tới bên giá vẽ để chờ cô giáo giúp Lem khoác vào người chiếc "áo hoạ sĩ" (áo bảo vệ để quần áo khỏi bị dính màu). Thấy Lem đã ổn định với cây cọ và giá vẽ, mẹ vẫy tay tạm biệt Lem để ra về. Lem mỉm cười chào mẹ, vẫn còn dè dặt nhưng khá tự tin.

Chiều hôm đó mẹ đón Lem sớm. Nhìn qua hàng rào, mẹ thấy Lem đang chạy nhảy cùng bốn, năm bạn gái cùng lứa tuổi. Vừa nhìn thấy mẹ, Lem kể ngay;

- Lúc nãy con đã nói với cô giáo con là con thích ở đây lắm!

Tâm sự của con trao mẹ đúng lúc mẹ đang có rất nhiều câu hỏi về ngày đầu tiên con ở trường mới. Con đã biết cách làm cho mẹ rất vui và yên tâm, con biết không?

- Mẹ đã rất nhớ con cả ngày hôm nay đấy! - Mẹ trả lời.

Một cô giáo khác thấy mẹ đến liền đến bên và bắt đầu kể về ngày hôm nay của con cho mẹ nghe. Rồi như một bà tiên, cô đưa tay lên cổ, nhẹ nhàng tách đôi chiếc mặt dây chuyền vàng hình trái tim của cô, và đổ từ chiếc mặt dây chuyền vàng tất cả những ngôi sao kim tuyến mà cô có vào tay Lem. Phần thưởng cho ngày đầu tiên ở Mẫu giáo của Lem đấy.

Buổi tối về nhà, chẳng hiểu sao mẹ cứ thấy ở Lem có sự biến đổi rõ rệt. Lem tự ngồi vào bàn ăn như một người lớn mà không cần phải mời gọi như mọi ngày. Lem nói rất nhiều, gãy gọn, hoạt bát và rất nhiều lý lẽ. Ăn tối xong, không ai nhắc Lem cũng tự đi rửa ráy, rồi lên ghế bành lấy truyện ra đọc. Cứ như một học sinh thực thụ vậy. Lem kể về những điều thú vị và những bài học mới ở trên lớp cho mẹ nghe, chẳng hạn như bài tập tìm các chữ có vần điệu với nhau này. Cứ tập bắt vần thế này chẳng mấy chốc mà Lem biết làm thơ ấy chứ.

Chỉ sang ngày thứ hai là Lem đã nhớ tên của hầu hết các bạn ("hầu hết" vì không phải bạn nào cũng đi học đầy đủ cả tuần nên có bạn Lem còn chưa được gặp) và các cô. Hi vọng Lem sẽ có thêm thật nhiều bạn mới và học được nhiều điều thú vị ở trường mới nhé!

Thứ Năm, 27 tháng 3, 2008

Trò chơi mới của Lem

Vài ngày gần đây Lem lại có một kịch bản mới, trong đó Lem vào vai "Mẹ" còn mẹ vào vai "Em bé". Em bé được Mẹ chăm chút cho từng li từng tí rất là dễ chịu nhé. Nếu Em bé khóc, Mẹ sẽ ôm Em bé vào lòng mà dỗ dành, dịu dàng và ngọt ngào làm sao chứ! Mẹ sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu tối thiểu của Em bé khi Em bé đòi ăn sữa, uống nước, hay thay "bỉm". Nhưng Mẹ cũng biết cách khuyên nhủ Em bé khi Em bé không chịu đi học mà đòi về với Mẹ. Mẹ sẽ đưa Em bé đến lớp và không quên hôn tạm biệt Em bé trước khi ra về. Nếu Em bé lạ lớp, Mẹ sẽ đồng ý ở lại trường học với Em bé một lúc, cùng chơi với Em bé, đồng thời an ủi Em bé rằng, "Con yên tâm, rồi mẹ sẽ sớm quay trở lại!" hay đại loại như vậy. Mẹ có thể chơi trò này rất lâu, từ tối hôm trước đến sáng hôm sau mà vẫn không quên vai diễn của mình. Thậm chí khi đến trường mẫu giáo rồi, Mẹ là người phải vào lớp học, nhưng vẫn không quên vẫy tay tạm biệt Em bé, người vừa mới lái xe đưa Mẹ đến trường.

Mẹ chẳng mấy khi được thể hiện sự yếu đuối của mình trước mặt con yêu (hay bất cứ ai!), cũng thực lòng rất thích thú với trò chơi này. Do đó mẹ phải cảm ơn con nhiều lắm... Được con tạo cơ hội, mẹ tranh thủ cứ rúc đầu vào ngực con để làm nũng - thể hiện rõ mẹ là một em bé nhõng nhẽo và hay vòi vĩnh, chứ không được ngoan ngoãn và tự chủ (trộm vía!) như con, con yêu nhỉ. Vậy mà nhân vật Mẹ không hề nổi nóng đâu nhé, vẫn hết sức chiều chuộng một Em bé "nhiều chuyện" như mẹ. Xem ra mẹ phải học Lem nhiều ...

Dạo này công việc của mẹ dồn dập, mẹ không có đủ thời gian để "quầy quả" tất cả, đâm ra vô tình mẹ cũng trở nên dễ mất bình tĩnh hơn trước. Lem hơi sổ mũi, ho gió, là mẹ đã rất lo. Đêm qua Lem ngủ không ngon, mẹ lo không ngủ được, đến nỗi sáng sớm vì mệt quá mà to tiếng với Lem (Cũng tại vì Lem ngủ cứ hay đạp chăn ra cơ!) Mẹ hối hận :( Thực lòng mẹ không muốn tỏ ra mất bình tĩnh trước con chút nào. Song, mẹ tin rằng Lem hiểu được vì sao mẹ lại ứng xử như vậy, rằng mẹ nói to không phải vì Lem không ngoan mà vì mẹ thiếu kiên nhẫn đó thôi.

Lem còn có một sở thích nữa là xem phim hoạt hình "Mảnh đất thời tiền sử" ("Land before time"), với giai điệu sâu lắng và đậm chất nhân văn của bài hát "Hãy cùng nhau bước tiếp" ("If we hold on together"). Tất cả bắt đầu vào hôm mẹ đưa về cho Lem bộ tranh tô màu "Mảnh đất thời tiền sử". Mẹ thật bất ngờ khi thấy Lem đã thuộc lòng tên của tất cả các nhân vật trong tranh, trong đó có nhiều nhân vật thoạt nhìn rất giống nhau, rất khó mà nhận biết được. Thì ra, thỉnh thoảng ở lớp, các bạn vẫn mang đĩa DVD đến để các cô bật cho cả lớp cùng xem, trong đó phim này là bộ phim Lem ưa thích nhất - xem mãi mà không chán. Thế là mẹ lên kế hoạch thuê đĩa DVD bộ phim này cho Lem xem, bắt đầu từ tập phim gốc - bộ phim đã làm bao nhiêu thế hệ thổn thức vì nghị lực của chú khủng long cổ dài trên hành trình tìm về với gia đình, và vì tình bạn đẹp đẽ của năm chú khủng long con - mỗi chú có một dáng vẻ, một cá tính rất khác nhau, nhưng gắn bó với nhau, vì nhau như ruột thịt.

Kể từ khi làm quen với phim, Lem bắt đầu dàn dựng lại các đoạn phim mà Lem ưa thích rồi yêu cầu mẹ đóng cùng. Lem nhớ phim đến từng chi tiết, và hướng dẫn cặn kẽ để mẹ đóng sao cho đạt nữa.

Mẹ biết là Lem mong mẹ có em bé lắm, để Lem có bạn chơi cùng ấy mà. Lem làm gì cũng nghĩ đến em bé nhé. Hồi Lem ba tuổi, Lem rất thích trò chơi nhìn qua rốn mẹ và tưởng tượng xem em bé đang làm gì để mô tả cho mẹ. Còn bây giờ, Lem hay tưởng ra các sinh hoạt hàng ngày của Lem với sự có mặt của em bé trong đó. Chẳng hạn, khi bạn mời Lem đi sinh nhật, Lem nghĩ ngay đến việc, nếu có em bé thì Lem sẽ cho em bé đi cùng. Lem còn nhắc mẹ để mẹ nhớ cho em bé ngồi trên ghế riêng sao cho em bé khỏi nghịch ngợm trong bữa tiệc sinh nhật. Mẹ cũng mong có em bé cho Lem còn "làm chị", còn chăm sóc em, chứ bộ ... Nhưng ... cho mẹ lại "xin khất" con yêu nhé :) Chỉ mong sao ngày ấy, ngày gia đình mình thật sự ổn định và mẹ sinh em bé cho Lem, sẽ đến thật gần, con nhỉ.

Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2008

Câu cá hồi trên núi


Nhớ kỳ nghỉ lễ Phục sinh năm ngoái, cả nhà rong ruổi trên dãy Macedons. Năm nay, cả nhà đổi hướng trở về với Yarra Valley, nơi bố mẹ và Lem đã nhiều lần du ngoạn mà chưa bao giờ thấy nhàm chán.

Kỳ nghỉ lễ Phục sinh đến sớm hơn mọi năm, khi rừng thu cây vẫn chưa thay màu áo mới. Chẳng có vấn đề gì - có chăng là máy ảnh của mẹ đỡ phải làm việc liên tục thôi. Vừa bước vào ranh giới của Yarra Glen, những đồi xanh nho mướt và trù phú đã hiện ra, cánh đồng nối tiếp cánh đồng. Những con đường núi uốn lượn quanh các rừng bạch đàn nguyên sinh ... Thật là thư giãn ...

Lem và mẹ câu cá hồi





Con cá to nhất trong số ba con cá nhà mình câu được là của mẹ và Lem nhé!



Câu cá thực ra không phải là công việc thú vị đối với một cô bé hơn 4 tuổi như Lem. Ấy thế mà Lem vẫn rất nhiệt tình khi hai mẹ con và dì Hương, những tay câu cá lần đầu, lần lượt câu được hai chú cá hồi béo tròn. Nhưng đến khi đứng câu cùng bố ở hồ cá hương (trout) thì Lem mất kiên nhẫn thực sự. Lem hết kêu muỗi rồi lại kêu ruồi. Rồi Lem kêu, ruồi và muỗi chẳng chịu nghe lời khi Lem đã phe phẩy tay đuổi đi. Cực chẳng đã, Lem liền rủ mọi người đi về. Tuy nhiên, lúc này mọi người chưa thể đáp ứng nhu cầu của Lem được. Có vẻ như lũ cá hương khôn ngoan hơn lũ cá hồi nhiều. Làm thế nào mà mẹ cứ quăng mồi câu là cá hương rỉa hết sạch, nhưng chẳng một con nào cắn câu cả. Trong khi đó, mẹ chỉ mất vài phút đã câu được một chú cá hồi... Kêu gọi mọi người đi về một lúc không được, Lem liền bỏ vị trí chạy loăng quăng ra chỗ khác chơi. Cảm ơn con nhé! Làm tội bố lại phải bỏ vị trí để chạy theo con trông chừng, nhưng mẹ thì được ngồi câu thêm một lúc nữa ... Rất thú!

Đối với Lem, trại cá có nhiều điều thú vị mà chẳng liên quan gì đến việc câu cá cả. Đó là một cái hồ đã cạn sạch nước, để lộ lòng hồ lổn nhổn đất đá, trông giống như một cái bát khổng lồ bằng đất chưa nung. Có lẽ hồ này trước đây cũng là hồ thả cá, nhưng đã không còn được sử dụng nữa. Dù sao đây cũng là một dịp để Lem quan sát xem, dưới mặt nước xanh thẫm kia, "nhà cửa" của các chú cá trông như thế nào. Điều thú vị còn là cái bể cá trưng bày với hàng trăm chú cá con, độ lớn trung bình chỉ nhỉnh hơn ngón tay người lớn. Ngay trên thành bể là tấm biển nho nhỏ mời mọi người thử bắt cá bằng tay. Thử mà xem - những chú cá hồi da trơn tuồn tuộn, quẫy đuôi một cái là đã "bắn" từ đầu này đến đầu kia của bể. Mẹ chịu! Mẹ chỉ sờ được chứ không thể nào túm được dù chỉ một chú cá. Lem đứng xem mẹ bắt cá một cách chăm chú, thậm chí có phần "căng thẳng", thỉnh thoảng lại gợi ý để mẹ đi lấy vợt mà múc cá lên :) Phải chăng Lem lo sợ lũ cá bị đau, hay chỉ đơn thuần sáng kiến rằng dùng vợt để vớt cá thì sẽ dễ dàng hơn (?) Mẹ quá bị hấp dẫn bởi việc đùa giỡn với lũ cá mà quên không tìm hiểu chi tiết này. Bây giờ ngồi viết lại mới thấy thương thương lũ cá đã phải chơi trò đuổi bắt với mẹ một cách bất đắc dĩ. Rất có thể Lem đã "xót thương" cho lũ cá từ lúc đó mà mẹ không biết vậy ...

Lem cũng lấy làm vô cùng thích thú khi được mẹ chỉ cho xem một bụi hoa súng hiếm hoi, nổi lững lờ trên một vũng nước nhỏ cạnh lối đi. Thân súng, lá súng - những gì nhìn thấy được trên mặt nước - đã héo tàn - như một minh chứng của mùa hè nóng bỏng vừa đi qua. Nhìn kỹ hơn một chút, Lem mới phát hiện một nụ súng đang ngủ thiêm thiếp trong làn nước bùn đục lờ lờ, lặng lẽ chờ đợi mùa khai nụ. Không giấu nổi sự mừng rỡ, Lem khoe với bố:

- Hoa súng đang "ấp" nụ đấy bố ạ! (The flower is "hatching", Daddy!)

Tranh vẽ Hoa súng của Claude Monet



Cá câu xong được đưa vào bếp làm sạch và chất vào thùng ướp lạnh. Xong xuôi, cả nhà lên đường đi dạo núi và đến thác Steavenson. Đây là ngọn thác duy nhất ở Victoria được thắp sáng bằng đèn thuỷ lực tạo ra bằng chính sức nước của thác. Nhưng trời còn quá sớm để chiêm ngưỡng cảnh quang này.

Thác Steavenson - Thác nước cao nhất của Victoria



Ngọn thác "khiêm tốn" là vậy (mẹ đang nghĩ tới Thác Bản dốc ở biên giới Việt Nam - Trung Quốc), nhưng là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho toàn bộ dân cư ở địa phương này. Thế mới thấy thiên nhiên hào phóng với con người biết nhường nào, con ạ!

Cả nhà ra về cùng lúc mặt trời xuống núi ... Tối nay đương nhiên cả nhà ăn tươi rồi ...

Thứ Hai, 17 tháng 3, 2008

Bạn tới chơi nhà

Sáng nay đi học, ra đến cửa, Lem bỗng nhiên quay sang hỏi, "Con có thể mang bức tranh mới vẽ đến khoe các bạn ở lớp được không?". Mẹ suy nghĩ một lát, rồi bảo, "Con có thể mang đến trường cho các bạn xem, rồi để mẹ mang về. Không nên để tranh ở lại lớp vì sợ các em bé sẽ phá hỏng mất". Tự dưng, Lem oà lên khóc. Lem mếu máo, "Con muốn mời các bạn đến nhà con chơi để xem tranh con vẽ, trừ các em bé ra thôi." Mẹ thấy Lem xúc động mà thương Lem quá. Một điều mơ ước ấp ủ bấy lâu của Lem là được tiếp đón các bạn ở nhà. Nhiều bạn trong lớp Lem cũng đã nhiều lần bày tỏ ý muốn đến nhà Lem chơi. Ấy vậy mà mẹ vẫn cứ lần lữa mãi. Một phần vì mẹ quá bận. Một phần cũng vì tự mẹ "mặc cảm" nhà mình hơi nhỏ, liệu các bạn nhỏ đến chơi có thoải mái không. Nhà nhỏ nhưng tấm lòng rộng mở thì vẫn tốt chứ, phải không con? Để nay mai mẹ sẽ rủ mẹ Hannah đưa bạn ấy tới chơi với con nhé.

Lem vừa dụi nước mắt vừa đi ra khỏi nhà, ngoan ngoãn leo lên xe để mẹ chở đến trường. Thỉnh thoảng Lem có những giây phút bộc lộ cảm xúc của mình như thế, mẹ thương Lem nhiều lắm...

Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2008

Bãi biển mùa thu

Hôm nay là một ngày Chủ nhật khá đặc biệt. Nhiệt độ lúc bốn giờ chiều lên tới 37 độ C - Ngày thứ tư của đợt nóng kéo dài kỷ lục tại Melbourne. Bãi biển đông kín người (chẳng bù cho mọi hôm!). Thuỷ triều lên cao, nước dâng đầy, sóng mạnh xô bờ từng đợt dồn dập, rất khác với mọi ngày. Một điều đặc biệt nữa là, hôm nay mẹ lấy hết tự tin để mặc bikini. Còn Lem đã chịu khó để bố bế ra một quãng rất xa rồi bám cổ bố hoặc mẹ bơi vào bờ.

Lem đi dạo trên bãi biển.


Nhìn kỹ sẽ thấy mẹ mặc bikini nhé!


Hồi cuối tháng Hai, cả nhà cứ nghĩ vậy là trời đã hết nóng. Vậy mà giữa tháng Ba rồi, trời thu còn nóng hơn hè. Gặp ai cũng thấy mọi người phàn nàn về thời tiết. Mẹ thì lại thích mùa hè, thích nhất là được đi tắm biển, được ngắm Lem chơi đùa với sóng nước, và tận hưởng không gian huy hoàng trong tĩnh lặng của hoàng hôn ở biển.

Thứ Bảy, 15 tháng 3, 2008

Gặp bà ngoại ở Sydney (mới hoàn chỉnh!)

Thời gian trôi qua thật nhanh. Hôm nay cả nhà sẽ bay lên Sydney để gặp bà ngoại. Trên đường ra sân bay, Lem hồi tưởng lại những lần đi du lịch bằng máy bay trước, hỏi mẹ xem lần này mình đi máy bay to hay máy bay nhỏ. Từ hồi hơn hai tuổi, Lem đã tâm sự với mẹ là Lem thích đi máy bay to vì máy bay to êm hơn, chứ máy bay nhỏ hay bị xóc. Lần này, Lem việc đi máy bay nhỏ không còn làm cho Lem lo lắng nữa. Một mình một va-li kéo nho nhỏ, Lem tự tin làm thủ tục soát vé, kiểm tra an ninh và lên máy bay. Lúc "check-in" xong, Lem nhận xét một cách đầy kinh nghiệm, "Hôm nay không có kẹo nhỉ!" Dì Hương bảo Lem sành điệu quá, phải đi nhiều thì mới biết tại quầy "check-in" hay có kẹo mời chứ.

Quang cảnh Circular Quay nhìn từ cửa sổ tầng 29 của khách sạn


Thời tiết Sydney thật là ấm áp, nắng gió chan hòa. Cả nhà đón taxi để về khách sạn. Biết ba mẹ con mình ở Melbourne tới, người lái taxi bắt chuyện như để chiều lòng khách: "Tôi thích sống ở Melbourne hơn. Ở Sydney ồn ào, tấp nập quá, mệt mỏi lắm cô ạ... Tôi chỉ làm việc ở đây vài năm rồi đi thôi ...". Mẹ không nói gì, chỉ cười cười đáp lễ. Mẹ thầm nghĩ, mỗi người đều có lựa chọn của mình. Melbourne giống như quê hương thứ hai của mẹ, là nơi mẹ đi học, rồi gặp bố, là nơi con sinh ra. Nhưng ở Sydney mẹ cũng đã có rất nhiều kỷ niệm đẹp thời sinh viên, với bạn bè, với gia đình ... trong mỗi lần viếng thăm. Biết đâu một ngày nào đó Sydney lại là nơi gia đình mình gọi là "tổ ấm", con nhỉ.

Thật là một điều bất ngờ dễ chịu - khách sạn mà mẹ đã đặt chỗ trước ở sát ngay bên cạnh khách sạn mà bà ngoại ở, mặc dù theo số nhà thì hai khách sạn phải cách nhau đến mười lăm nhà (chỉ tính số chẵn). Người khoái chí nhất có lẽ là dì Hương, người đã nhanh nhẹn lên kế hoạch - ngủ với bà ngoại còn ăn sáng với Lem - dì bảo, "Ở thế này ta tha hồ mà đi thám hiểm, chạy đi chạy về , thích ghê!"

Mẹ đã được bà ngoại giao trọng trách đến sớm để đi chợ cho bà, trong khi đoàn công tác của bà phải chiều mới đến nơi. Thế là, đăng ký khách sạn xong, ba mẹ con lại rồng rắn một vòng qua The Rocks, Circular Quay, trước khi bắt taxi phóng một mạch đến Chinatown.

Chưa bao giờ mẹ đi bộ quanh The Rocks theo hướng này; Mẹ thực sự bị hấp dẫn bởi những dãy nhà cổ kiểu thuộc địa xinh xắn (khá nhiều trong số đó nay đã trở thành bảo tàng hoặc cửa hàng lưu niệm), xen lẫn những kiến trúc thực dụng hơn với những bậc thềm bằng sa thạch nguyên sơ, những cánh cửa sau bằng gỗ sồi cũ kỹ, nằm im lìm giữa những lối đi lát đá nhỏ hẹp, dẫn dụ bước chân ra tận bến cảng, nơi có quang cảnh tráng lệ của Nhà hát Opera và Cầu cảng Sydney.

The Rocks được coi là cái nôi của nước Úc văn minh, nơi thành lập thuộc địa đầu tiên của thực dân Anh, với một bề dày lịch sử thuộc loại phong phú nhất Úc. Bên cạnh những kiến trúc cổ, lịch sử còn để lại cho The Rocks một nền văn hoá ẩm thực phong phú không kém, với những các quán cà phê và nhà hàng thuộc loại kiểu cách và sang trọng nhất Sydney - nơi hành nghề của nhiều đầu bếp lừng danh.

Đi dạo The Rocks, Lem "phụng phịu" vì mệt và đói


Tiếp năng lượng ở Circular Quay


Gặp bà ngoại


Lem ngủ gà ngủ gật cả buổi chiều, trong lúc mẹ đi chợ. Mẹ vừa đi chợ về thì cũng là lúc dì Hương báo tin bà ngoại đã hạ cánh ở Sydney. Vậy là ba mẹ con chỉ còn mỗi việc, tắm rửa, sửa soạn, để sang gặp bà.

Đương nhiên, thời điểm bà ngoại và Lem gặp lại nhau sau một năm rưỡi xa cách vẫn là thời điểm cảm động và được mong chờ nhất. Vừa bước vào sảnh khách sạn, Lem có vẻ nhận ra bà ngay và đi về phía bà, rồi rụt rè ngả vào vòng tay rộng mở của bà. Hai bà cháu ríu rít ôm ấp, hôn hít, hỏi thăm nhau. Mắt ai cũng long lanh vì hạnh phúc. Bà mừng rỡ dắt Lem đi chào các ông các bà trong đoàn. Nhân viên quản lý khách sạn đang đón tiếp đoàn liền tới bên và mời Lem tới nhận quà của khách sạn - món quà nhỏ là một chú koala trong trang phục dân tộc, với mũ Ạkubra và áo gi-lê da thuộc có ghi tên khách sạn, và đeo lủng lẳng chiếc didgeridoo bé xíu. Trong khi mọi người tay bắt mặt mừng, mẹ vẫn không quên rời mắt khỏi chiếc ba lô đựng đồ ăn to đùng mà mẹ đã vác theo và đang nằm trơ chọi cạnh chiếc ghế sô-pha ngoài tiền sảnh ...

"Con yêu bà lắm!"


Bên của sổ khách sạn


Tối hôm ấy, nhóm làm việc của bà ngoại quây quần bên mâm cơm "dã chiến" trong phòng ngủ khách sạn, với đầy đủ cơm gạo tám nóng hổi, cà pháo dầm ớt chua ngọt, vịt quay, thịt quay ròn, xá xíu, cải Thượng Hải luộc sơ chấm xì dầu, và nho hồng tráng miệng. Bát đĩa và dao dĩa ăn được mẹ hỗ trợ từ bếp của khách sạn nơi mẹ con mình ở. Mọi người tập trung ở phòng bà rất đông, ăn uống, làm quen, thăm hỏi nhau rôm rả. Nhiều cô chú xa Việt Nam lâu ngày cũng tranh thủ đến khách sạn để gặp gỡ người thân. Gặp bữa, ai nấy đều không ngại ngùng ngồi xuống dùng cơm cùng. Bữa cơm thân mật cứ thế kéo dài đến khuya...

"Phong tục" nấu ăn trong khách sạn năm sao có vẻ thật là lạ lùng, phải không con? Vậy mà với mẹ, điều đó lại chẳng lạ lẫm chút nào. Thứ nhất, nói là nấu, thực ra chỉ có việc cắm nồi cơm và luộc rau thôi, còn lại đều là đồ ăn mua sẵn cả. Thứ hai, các đoàn ngoại giao đi công tác thường xuyên và qua nhiều nước, nên việc có được một bữa cơm nhà giản dị và hợp khẩu vị là điều có vẻ như rất xa xỉ. Càng những người ở cương vị cao hoặc lớn tuổi hơn càng ngại đi ra ngoài ăn. Người đơn giản thì ăn mì tôm (chỉ cần một ấm nước sôi và một bát mì ăn liền!). Còn người chu đáo như bà ngoại mình thì thường mang theo nồi cơm điện và đồ khô, đến nơi gần như chỉ việc đun nước và mua thêm rau. Một điều quan trọng nữa, đó là chính là ý nghĩa về bữa ăn của người Việt mình.

Với người Việt, "lời chào cao hơn mâm cỗ". Với người Việt, một bữa ăn quây quần theo kiểu gia đình vẫn đầm ấm và đáng quý hơn gấp nhiều lần so với việc đi ăn ở nhà hàng, chưa kể đến việc dùng đồ ăn nhanh. Người Việt thích ăn uống trong không gian kín đáo và yên tĩnh của gia đình, với những món ăn được nấu nướng tinh xảo dưới bàn tay khéo léo và đảm đang của người phụ nữ trong nhà, thay vì ăn uống ở nơi công cộng, ồn ào và huyên náo. Người Việt thích được ăn những món "khoái khẩu", mà khẩu vị của mỗi món có thể khác biệt theo truyền thống của mỗi nhà, mỗi vùng. Điểm này thì khó có quán ăn nào, dù bình dân hay sang trọng, ở nơi đất khách có thể đáp ứng được.

Mẹ nhớ lại kỷ niệm trong một chuyến đi châu Âu của mẹ. Vì lịch trình công tác của đoàn ở châu Âu khá sát sao, nên không ai tự nấu ăn, mà tới đâu đoàn cũng đã được đặt chỗ sẵn tại một nhà hàng Tàu hoặc Việt nào đó. Trong đoàn có bác Ba (mẹ tạm gọi như vậy), là Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị của một Tổng công ty Nhà nước tầm cỡ. Mỗi lần tới nhà hàng, mẹ lại thấy bác lấy ra một chai nước mắm Phú Quốc mang nhãn hiệu mà bác ưa thích. Vừa kéo ghế ngồi, việc đầu tiên là bác Ba yêu cầu nhà hàng lấy cho một cái bát sạch, và tỉa vào đó vài lát ớt. Rồi bác lôi chai nước mắm của bác ra (từ đâu thì mẹ chịu :)!), nhỏ vào cái bát nước chấm trắng tinh điểm mấy lát ớt đỏ ấy vài giọt nước mắm quê nhà. Rồi bác lấy một đôi đũa sạch, ngoáy ngoáy vài cái, vừa đủ cho nước mắm quyện lấy cái tinh chất cay thơm lừng của ớt tươi mới cắt. Rồi bác đưa đầu đũa lên miệng nếm thử đánh "chụt" một cái, rồi ngửa đầu ra sau hít hà ... nhìn đến là thèm ... Chẳng vậy mà mấy cô chú, ông bà, trong đoàn đã mấy lần định đưa chai nước mắm của bác Ba ra đấu giá, có người còn đòi đánh đổi bằng mấy chai rượu tây. Ai cũng khen bác Ba "sành điệu"! Mẹ cũng nghĩ bác Ba là người sành điệu vậy!

Chừng đã khuya, có mấy người bạn rủ mẹ đi dạo phố đêm. Thế là nhân tiện, mẹ rủ bà ngoại sang khách sạn của mẹ con mình để hàn huyên với Lem, và nhờ bà cho Lem đi ngủ. Trái với mong đợi, Lem rất hưởng ứng kế hoạch của mẹ, trong khi bà ngoại thì tỏ vẻ ngại ngần. Bà bảo, đêm đầu tiên, bà sợ hai bà cháu chưa quen nhau! Ôi, bà là người đầu tiên đón Lem từ tay người đỡ khi Lem lọt lòng mẹ, vậy mà bà lại lo bà cháu lạ nhau sao? Thế là mẹ cứ mạnh dạn mời bà sang khách sạn mình, nhắn Lem đánh răng trước khi đi ngủ, rồi chuẩn bị để đi chơi. Lem cũng tỉnh bơ, lấy sách ra nhờ bà đọc, rồi nằm xuống bên bà, đầy âu yếm và tin tưởng. Khi mẹ quay về thì hai bà cháu đỡ ngủ say sưa tự lúc nào ...

Sáng hôm sau, bà ngoại dậy từ rất sớm và nhanh chóng trở về Shangri-La để chuẩn bị cho buổi họp sáng. Mẹ dậy mở cửa cho bà, rồi lại quay trở lại giường ngủ. Được một lúc, mẹ đang lơ mơ trong chăn ấm thì thấy có hai bàn tay bé xinh đang gỡ gỡ tấm chăn mỏng phủ gần kín mặt mẹ. Khuôn mặt mẹ vừa lộ ra khỏi chăn, có lẽ đã nhận ra đó không phải là bà, Lem bỗng oà lên khóc. Lem mếu máo hỏi: "Bà đâu rồi?" Mẹ vừa thương vừa cảm động, trấn an Lem: "Bà về khách sạn của bà để làm việc. Chút nữa mẹ đưa Lem sang với bà nhé." Lem chừng hiểu ra, hỏi thêm: "Thế dì Hương đâu rồi?" "Dì Hương vẫn ngủ ở giường bên kia, con yên tâm nhé!" Lem có vẻ đã yên tâm, nhưng vẫn tỏ ra mong được gặp lại bà lắm. Vừa lúc đó thì bà ngoại gọi điện, mẹ kể ngay chuyện vừa xảy ra cho bà nghe. Chẳng phải kể cũng biết bà cảm động như thế nào!

Lem, dì Hương và mẹ ăn sáng rồi chuẩn bị để lại sang chơi với bà. Dịp này bà mang sang cho Lem rất nhiều quà, trong đó có cả quà của cô Yến và bác Yến (VILAF) gửi nữa. Nào sách vở Tiếng Việt, đồ chơi, váy áo, nào kẹo bánh, ô mai... Thích ơi là thích! Riêng với Lem, thích nhất vẫn là những cuốn sách mới còn thơm mùi mực. Lem dành cả buổi trưa hôm đó trong phòng khách sạn để chụp ảnh, đọc sách và vẽ vời, trong khi bà, mẹ và dì Hương thì tranh thủ chợp mắt sau một đêm dài.

Khoảng bốn giờ chiều, cả nhà mới rời khỏi khách sạn, dạo bộ qua The Rocks, Circular Quay và bắt phà sang Lunar Park.

Lem tham gia khá nhiều trò chơi, và còn trúng thưởng một chút gấu bông rất to nữa.







Sau khi dạo khắp một vòng công viên, mẹ hứng chí gửi Lem cho bà để chơi cùng dì Hương chơi thử một trò cảm giác mạnh. Chỉ toàn thanh thiếu niên tham gia trò chơi này thôi, nhưng vì mẹ nhỏ nhắn nên khi đứng xen lẫn, có lẽ chẳng ai đoán là mẹ đã là "gái một con". Hai bà cháu ngồi với nhau được một lúc lâu, cho tới khi Lem hết kiên nhẫn và chạy ra chỗ mẹ đang đứng xếp hàng (mẹ cũng đã sắp hết kiên nhẫn chờ đợi!), đòi chơi cùng mẹ. Mẹ cúi xuống dỗ dành Lem, cũng đang dụ khị mẹ bên kia hàng rào để được vào chơi, nói khẽ: "Con à, trò chơi này chỉ dành cho những người trên bảy tuổi mà thôi". Thế là Lem ngẩng lên, nhìn thẳng vào mẹ và nói rất to: "Thế thì mẹ cũng không được chơi vì mẹ đã hai chín tuổi rồi!". Mọi người xung quanh bắt đầu để ý. Mẹ ngại quá, có thể mọi người sẽ nghĩ, ai đời mẹ mà lại bỏ con đi chơi như vậy nhỉ. Vừa lúc đó thì bà ngoại chạy tới, dỗ Lem đi với bà. Tất nhiên là Lem vâng lời đi với bà rồi, cháu yêu của bà mà. Lúc mẹ và dì Hương trở lại với hai bà cháu thì thấy hai người đã vui vẻ ngồi ăn. Cũng đã đến giờ ăn tối rồi đấy!

Vậy là cả nhà ăn tối ngoài trời ngay tại Lunar Park. Thấy Lem ăn các món mà bà ngoại gọi một cách ngon miệng, bà ngoại mừng lắm. Tiếp năng lượng xong, hai dì cháu lại rủ nhau chơi tiếp vài trò nữa. Khi về đến nhà, trời cũng đã khuya lắm. Đường về khách sạn khá dốc, vậy mà được bà ngoại động viên Lem đã tự đi bộ về chứ không cần mẹ "cõng" như mọi lần. Đêm ấy, dì Hương sang ngủ với bà, còn Lem ngủ với mẹ. Được mẹ giải thích là sáng mai Lem lại được gặp bà ngoại, Lem mới yên tâm ôm cuốn sách "Mười chú bọ buồn ngủ" lên giường. Quay đi quay lại, mẹ đã thấy Lem ngủ rất say bên cuốn sách còn để ngỏ. Hôm sau mẹ nói đùa với bà ngoại, "Lem nằm đếm sâu rồi ngủ ngoan lắm bà ạ." Bà ngoại chỉ lo Lem nhớ bà, nghe mẹ nói vậy chỉ mỉm cười âu yếm.

Bà ngoại sang đón Lem từ sáng sớm, không quên làm quen với Jeff, chủ khách sạn, và chú chó Mate rất biết vâng lời.



Cả ngày hôm ấy, cả nhà chỉ quanh quẩn ở Shangri-La, nhưng chỉ riêng sự sum họp cũng đã đủ làm cho mọi người rất vui vẻ và thỏa mãn. Lem cứ một mình chơi tha thẩn mà không đòi hỏi bất kỳ một sự quan tâm quá đáng nào. Quá trưa, cả nhà Chinatown ăn đồ Việt rồi tản bộ ra Darling Habour ngoạn cảnh. Trời quá nắng và nóng, thế là mấy bà cháu mẹ con liền đáp monorail đi liền hai vòng quanh Vịnh, cũng vừa kịp lúc về khách sạn chuẩn bị hành lý để ra máy bay, bởi chiều tối thì ba mẹ con mình đã phải chia tay bà ngoại rồi.

Trong lúc dọn dẹp hành lý, mẹ tranh thủ gặp gỡ với một vài người bạn. Trong đó có người bạn mà mẹ đã quen từ thời đại học, hơn mười năm rồi. Cô Lan bảo, đúng là quả đất tròn. Nhiều khi ở giữa Hà Nội thì lại ít gặp mặt nhau, chỉ đến khi đi công tác hoặc ra nước ngoài thì mới có dịp hàn huyên. Cô Lan tiễn mẹ và kéo giúp hành lý ra tận của taxi. Lem ríu rít chia tay với bà ngoại ... Hẹn gặp lại bà vào một ngày gần nhất.

Chủ Nhật, 9 tháng 3, 2008

Món trung lưu* - BĂNG SƠN

Gia đình tôi trung lưu, ngoài bữa sáng thì hai bữa chính là trưa và tối. Nói trung lưu nghĩa là nói mỗi bữa thế nào cũng phải có vài ba món, là mặn đi với nhạt, khô đi với canh, thịt cá đi với rau dưa.... và mỗi tuần hay mươi ngày, món đó lại được lặp lại. Gọi là món nhưng cũng nhiều khi đơn giản, chút dưa cải củ đầu mùa, món dưa cải bắp hay dưa cần mùa đông, quả cà tím thái mỏng bóp muối ăn xổi được ngay.... mấy quả dưa leo (dưa chuột) gọt vỏ, thái vát ăn cho mát ruột....

Thịt thăn lợn rim mặn với hạt tiêu, thịt bò xào hành tây, tỏi tây, cá rán "sốt" cà chua, riêu cua, cà bung, ốc nấu chuối xanh, thịt gà rang gừng, canh măng nấu thịt vịt.... không phải món thường xuyên.

Món thường xuyên nào cũng phải có, đó là rau. Mùa nào thức ấy, màu xanh xuất hiện trên mâm như một lẽ đương nhiên, không thể thiếu. Rau muống luộc xanh rờn, rau muống xào tỏi đậm đà vẫn thanh mát, rau bắp cải luộc, xu hào luộc, rau bí ngô xào, củ cải luộc, bí luộc, bầu luộc, đôi khi rau muống luộc trộn ít giá đỗ chần chín, thêm một chút muối vừng thành một món khác hoàn toàn: Món nộm đơn giản, chỉ thêm nửa quả chanh tươi mà không cần bì lợn, vẫn cứ ngon vì lạ miệng, đơn giản, dễ làm nhưng khác hẳn các món xào nấu khác ở chỗ chay tịnh của nó.

Một món đặc biệt của gia đình tôi (có lẽ nhà ai cũng thế) là bát nước chấm. Không bao giờ bát nước chấm rót trong chai ra mà thành ngay nước chấm. Nó phải được pha một thứ gì đó. Trước hết không phải là thứ nước mắm quá ngon, vì thứ này bao giờ cũng hơi nặng mùi, tuy ngon nhưng không làm vui cái mũi. Dầm quả trứng luộc để chấm bắp cải, xu hào, cải củ. Dầm mấy quả xấu xanh cho món rau muống luộc chiều hè. Tuyệt ngon vì nó chua thanh, chua dịu, không phải thứ có quanh năm. Pha thêm chút giấm hoặc nửa quả chanh cốm, thả vào đấy vài lát ớt đỏ tươi để chấm món đậu rán. Nước mắm có tỏi đập giập để chấm thịt ngan, thịt vịt. Pha chút gừng để chấm thịt bò, thịt trâu hay ốc luộc. Ăn món cá luộc không thể thiếu bát nước chấm có chanh tươi và nhất là hạt tiêu bắc...

Linh hồn của mỗi món ăn hình như hiện ra khi nó được gặp món nước chấm phù hợp. Có món này không khó, chỉ cần bà nội trợ chú ý một chút trước khi mâm cơm được dọn ra mà thôi.

* Đăng trên trang web VDC

Thứ Bảy, 8 tháng 3, 2008

Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3

Quà tặng của bố

Do tính chất lịch sử của nó, ngày 8-3 ở Úc thường được kỷ niệm bởi các nhà hoạt động nữ quyền hơn là vì mục đích phi chính trị. Trong khi đó, với bất kỳ người phụ nữ Việt Nam nào, ngày 8-3 là một ngày lễ quan trọng (gần như tương đương với Ngày của Mẹ (Mother's Day) ở các nước phương Tây). Đó là ngày mà một nửa thế giới được tôn vinh, là dịp để nam giới thể hiện tình yêu, lòng biết ơn, sự kính trọng của mình đối với những người phụ nữ của họ - dù đó là bà, mẹ, vợ, người yêu, đồng nghiệp hay là con gái, cháu gái ... - bằng những bó hoa, những món quà ý nghĩa. Nếu không có điều kiện để tặng quà, dám chắc rằng không có người đàn ông nào lại không nghĩ đến người yêu thương của mình với những tâm sự thân thương nhất trong ngày hôm nay ... Ở Việt Nam, ý nghĩa chính trị của Ngày Quốc tế Phụ nữ về giải phóng phụ nữ, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, mà Liên Hợp Quốc khởi xướng, gần như đã hoà tan vào những mục đích dung dị hơn, đời thường hơn. Ngày 8-3, ngoài hoa và quà tặng, nam giới thường dành lấy làm những công việc mà ngày thường được coi là trách nhiệm chính của người phụ nữ như đi chợ, nấu cơm, dọn nhà, chăm sóc con cái ... Nhiều thanh niên thì nhân dịp này để bày tỏ tình cảm với bạn gái mình - phổ biến không kém gì ngày lễ Tình yêu (Valentine's Day).



Sống ở Úc, gia đình Lem kỷ niệm cả ngày 14-2, ngày 8-3, và Ngày của Mẹ (ngày Chủ nhật thứ hai của tháng Năm). Buổi sáng, bố nhận trọng trách đưa Lem đi học ngoại khoá. Khi trở về, Lem dấu sau lưng một bó hoa cẩm chướng hồng để khoe mẹ - quà tặng của bố cho cả ba người phụ nữ trong nhà. Buổi chiều, cả nhà đi dạo chơi rồi đi ăn tối ở nhà hàng. Như thường lệ, vài người bạn cũ (và cả bạn mới) của mẹ lại gửi thư, tin nhắn chúc mừng. Thế mà mẹ lại chẳng thấy mình đặc biệt vì là phụ nữ trong ngày này. Đơn giản vì ngày nào mẹ cũng thấy mình là người được yêu thương, tôn trọng, và bình đẳng như thế (Ôi, mẹ có hơi quá tự hào không nhỉ?)

Lem và bạn Wil chơi đu



Lem đi chơi hồ và cùng các bạn cho vịt ăn





Chùm ảnh "hồ vịt" qua ống kính kỹ thuật số của Lem:









Bánh bỏng gạo - tác phẩm của dì Hương nhân ngày 8-3

Người đàn bà không tên tuổi - XUÂN QUỲNH (1968)

Những người đàn ông các anh có bao nhiêu điều to lớn
Vượt khỏi ô cửa cỏn con, căn phòng hẹp hàng ngày
Các anh nghĩ ra tầu ngầm, tên lửa, máy bay
Tới thăm dò những hành tinh mới lạ
Tài sản của các anh là những tinh cầu, là vũ trụ
Các anh biết mỏ dầu, mỏ bạc ở nơi đâu
Chinh phục đại dương bằng các con tầu
Đi tới tương lai trên con đường ngắn nhất
Mỗi các anh là một nhà chính khách
Các anh quan tâm đến chuyện mất còn của các quốc gia
Biết bao điều quan trọng được đề ra
Những hiệp ước xoay vần thế giới…


Chúng tôi chỉ là những người đàn bà bình thường không tên tuổi
Quen với việc nhỏ nhoi bếp núc hàng ngày
Cuộc sống ngặt nghèo phải tính sao đây
Gạo, bánh củi dầu chia thế nào cho đủ
Đầu óc linh tinh toàn nghĩ về chơ búa
Những quả cà, mớ tép, rau dưa
Đối với Nít và Kăng, những siêu nhân nay và xưa
Xin thú thực: chúng tôi thờ ơ hạng nhất
Chúng tôi cò phải xếp hàng mua thịt
Sắm cho con đôi dép tới trường
Chúng tôi quan tâm đến xà phòng, đến thuốc đánh răng
Lo đan áo cho chồng con khỏi rét

Chúng tôi là những người đàn bà bình thường trên trái đất
Quen với công việc nhỏ nhoi bếp núc hàng ngày
Chúng tôi chẳng có tàu ngầm, tên lửa, máy bay
Càng không có hạt nhân nguyên tử
Chúng tôi chỉ có chậu có nồi có lửa
Có tình yêu và có lời ru
Những con cò con vạc từ xưa
Vẫn lặn lội bờ sông bắt tép
Cuộc sống vẫn ngàn đời nối tiếp
Như trăng lên, như hoa nở mỗi ngày…

Nếu ví dụ không có chúng tôi đây
Cuộc sống có còn là cuộc sống
Ai sẽ mang lại cho các anh vui buồn hạnh phúc
Mở lòng đón các anh sau thất bại nhọc nhằn
Thử nghĩ xem thế giới chỉ đàn ông
Các anh sẽ không còn biết yêu biết ghét
Các anh không đánh nhau nhưng cũng chẳng làm nên gì hết
Thế giới sẽ già nua và sẽ lụi tàn
Ai sẽ là người sinh ra những đứa con
Để tiếp tục giống nòi và dạy chúng biết yêu, biết hát

Buổi sớm mai ướm bước chân mình lên vết chân trên cát
Bà mẹ đã cho ra đời những Phú Đổng Thiên Vương
Dẫu là những nguyên thủ quốc gia hay là những anh hùng
Là bác học… hay là ai đi nữa
Vẫn là con của một người phụ nữ
Một người đàn bà bình thường, không ai biết tuổi tên

Anh thân yêu; người vĩ đại của em
Anh là mặt trời, em chỉ là hạt muối
Một chút mặn giữa đại dương vời vợi
Loài rong rêu chưa ai biết bao giờ
Em chỉ là ngọn cỏ dưới chân qua
Là hạt bụi vô tình trên áo
Nhưng nếu sáng nay em chẳng đong được gạo
Chắc chắn buổi chiếu anh không có cơm ăn

Vài đoạn thơ vui nhân dịp ngày xuân
Đùa một chút xin các anh đừng giận
Thú thực là chúng tôi cũng không sống được
Nếu không có các anh, thế giới chỉ đàn bà.

Thứ Năm, 6 tháng 3, 2008

Thứ Hai, 3 tháng 3, 2008

Lem đi khám nha

Hôm nay mẹ cảm thấy mẹ phải có lời khen ngợi Lem một cách chính thức nhé. Rút kinh nghiệm lần đi tiêm chủng hồi tháng Một, lần này mẹ chuẩn bị tinh thần cho Lem đi khám răng từ trước ngày hẹn vài hôm. Khi mẹ nói về việc sắp tới sẽ đi khám răng, để bác sỹ làm vệ sinh răng cho con, phản ứng đầu tiên của Lem là, "Con không đi đâu. Con vẫn đánh răng hàng ngày mà!". Mẹ cứ để Lem "phản ứng" mà không giải thích thêm. Đến hôm sau mẹ lại nhắc, giải thích với Lem rằng, "Con đến để bác sỹ kiểm tra xem con giữ gìn răng có sạch không thôi mà". Nghe chừng đã hiểu, Lem khẳng định lại với mẹ, "Tức là bác sỹ chỉ nhìn xem có sạch không, chứ không cần chạm vào răng con phải không hả mẹ?". "Có lẽ là như vậy", mẹ nói "nước đôi" vì không muốn con phải quá để tâm vào chuyện này.

Rồi ngày đi khám răng cũng đến. Mẹ nghỉ làm, Lem cũng nghỉ học hẳn một ngày với mẹ, chỉ để đến gặp bác sỹ nha khoa. Cả buổi sáng, Lem ở nhà quay quẩn đọc sách rồi vẽ tranh. Chừng sắp đến giờ khám, mẹ rủ Lem đi đánh răng: "Con đi đánh răng để đến bác sỹ khám xem răng con có sạch không nhé!". Lem hiểu ý ngay, vui vẻ đi đánh răng và hào hứng cùng mẹ lên đường.

Vừa, đến phòng khám, Lem chạy ngay đến khu để đồ chơi và say sưa với một bộ xếp hình bằng gỗ. Sảnh đợi sạch sẽ, ngăn nắp và yên tĩnh. Thỉnh thoảng Lem lại nhìn mẹ cười một cách tin tưởng, chứ Lem không biết rằng trong lòng mẹ lo lắng đến thế nào ... Từ bé đến giờ, Lem khá là tự giác và chững chạc mỗi khi tới phòng khám. Dường như Lem luôn hiểu, tới phòng khám là để kiểm tra sức khoẻ - là một việc cần làm chứ không có gì đáng sợ cả. Các bác sỹ mà Lem từng gặp đều rất nhẹ nhàng, tâm lý, và thân thiện với con trẻ. Duy chỉ có lần gần đây nhất khi Lem tròn bốn tuổi, mẹ đưa Lem đi tiêm chủng, Lem đã khóc rất to và chống cự lại. Lỗi tại mẹ, do mẹ "rút kinh nghiệm" lần gần nhất Lem được tiêm chủng, hồi Lem hai tuổi rưỡi, mà không điều chỉnh cách ứng xử cho phù hợp với độ tuổi và nhận thức của Lem bây giờ. Nếu hồi hai tuổi, Lem đi tiêm rất ngoan mà không cần mẹ phải bàn bạc nhiều về việc này, thì bây giờ Lem đã tỏ vẻ không thích tiêm ngay từ đầu, và lẽ ra mẹ đã phải giải thích kỹ lưỡng cho Lem về tầm quan trọng của việc tiêm chủng để Lem chuẩn bị tinh thần. Vậy mà, giống như hồi trước, mẹ cứ "lạnh lùng" đưa Lem đến phòng tiêm, để Lem chơi thỏa thích trong khi ngồi chờ đến lượt. Cuối cùng thì Lem đã phải cần đến bốn người giữ chân giữ tay mới tiêm xong hai mũi đấy.

Rõ ràng hôm nay, mẹ thiếu tự tin hơn Lem rất nhiều. Khi được gọi, Lem nhanh nhẹn đi theo cô nha sỹ vào phòng, rồi trèo lên ngồi ngay ngắn trên ghế. Để thu hút sự chú ý của Lem ra khỏi các dụng cụ nha khoa tinh xảo được bày đầy trên khay trước mặt, mẹ đưa cho Lem cầm bộ mô hình hai hàm răng và một chiếc bàn chải bằng nhựa, cỡ phóng đại. Lem bị hấp dẫn ngay, cầm lấy mô hình quan sát và dùng bàn chải làm bộ đánh răng. Vừa lúc ấy bác sỹ vào. Tay vẫn còn cầm chiếc bàn chải to đùng, Lem liền nhe hai hàm răng xinh xinh ra, chờ đợi bác sỹ kiểm tra. Tất nhiên là việc kiểm tra răng của bác sỹ không đơn giản thế. Bác sỹ quàng cho Lem một cái yếm trẻ em có in hình những chú gấu Teddy màu hồng và màu xanh, bảo Lem nằm ngửa đầu và chuẩn bị cưỡi ngựa trên ghế. Lem hơi bỡ ngỡ, vẫn chưa ngửa hẳn đầu ra sau, nhưng đã khá thích thú khi bác sỹ điều chỉnh độ cao của chiếc ghế mềm.

Bác sỹ bảo, Lem há miệng to để bác sỹ đếm răng cho Lem. Lem liếc nhìn mẹ. Mẹ mỉm cười với Lem trấn an, "Bác xem răng con có sạch không nhé!". Bác sỹ xem xét cả hai hàm răng của Lem khá cẩn thận. Rồi tranh thủ sự hợp tác của Lem, bác sỹ tiến hành làm sạch răng cho Lem ngay. Trước khi bật máy đánh bóng răng, bác sỹ còn cẩn thận cho máy chạy thử trên ngón tay cái của Lem nữa. Đầu máy đánh bóng răng nhìn chẳng khác gì đầu bàn chải đánh răng của bố mẹ ở nhà, chỉ có điều bé hơn. Bác sỹ cũng không quên đưa cho Lem một đôi kính râm để đeo cho khỏi bị chói mắt vì ánh đèn. Mẹ vẫy tay trêu Lem để động viên tinh thần, chẳng biết lúc đó Lem có để ý nhìn mẹ qua đôi kính to quá khổ không nữa.

Đánh bóng răng xong, bác sỹ bắt đầu công đoạn lấy cao răng. Lem cũng có cao răng đấy, chỉ một chút thôi phía mặt trong của mấy cái răng cửa nhỏ xíu. Thấy bác sỹ cầm dụng cụ cạo nhọn hoắt lên, tim mẹ muốn nhảy ra ngoài (rõ ràng là mẹ rất "nhát"!). Trong khi đó Lem vẫn nằm yên, tay nắm chặt cái bàn chải mô hình, chờ đợi bác sỹ thực hiện xong các thao tác. Bác sỹ bảo Lem há miệng to, Lem há to. Bác sỹ bảo Lem há nhỏ, Lem há nhỏ. Bác sỹ bảo Lem khép miệng, Lem khép miệng.

Cuối cùng, bác sỹ đưa máy hút làm sạch miệng vào để Lem làm quen với dụng cụ này, không quên cho Lem thử trên tay trước. Vẫn để Lem nằm há miệng, bác sỹ gọi mẹ tới bên để quan sát hai hàm răng của Lem ...

Xong xuôi, bác sỹ điều chỉnh ghế và bảo Lem ngồi dậy súc miệng. Lem chỉ nhấp một ngụm nước nhỏ, súc miệng một cách từ tốn. Trong khi đó, bác sỹ bắt đầu nói chuyện với mẹ, lưu ý mẹ phải hạn chế đồ ăn thức uống có đường cho Lem. Trái với hiểu biết của mẹ, bác sỹ bảo tốt nhất vẫn là hạn chế đồ ngọt hoàn toàn. Mẹ thì lại nghĩ một chút ngọt cũng tốt, tuy rằng Lem đâu có mặn mà với đồ ngọt lắm. Bác sỹ nói đến đâu, mẹ gật gù đến đấy. Còn Lem, cứ ngồi trên ghế cười khì khì, lúc nhìn mẹ, lúc quay sang bác sỹ lắng nghe. Nhìn con cười "ghét" lắm cơ. Chẳng hiểu con cười vì cử chỉ của mẹ lúc đó buồn cười, hay vì con mừng vì mình đã hoàn thành buổi kiểm tra sức khỏe răng một cách dũng cảm.

Về nhà, mẹ liền chụp ảnh ngay cho Lem để kỷ niệm buổi làm việc hôm nay.



Lem được tặng "stickers"

Chủ Nhật, 2 tháng 3, 2008

Ngắm hoàng hôn

Sau bữa sáng, cả nhà bàn tán về việc, vì tối hôm qua chơi đùa khuya nên buổi đêm Lem có nhỡ làm ướt giường khi ngủ. Bỗng nhiên, Lem cất giọng:

- Cả nhà yên lặng nào. Xin tất cả ngồi yên!

Lem giơ tay ra hiệu cho cả nhà, rồi chậm rãi quay sang dì Hương, ra điều quan trọng:

- Hồi còn bé, dì Hương cũng tè dầm phải không?

Dì Hương đỏ mặt xác nhận, nhưng chưa kịp trả lời thì Lem đã tiếp:

- Thế thì bây giờ đến lượt con (tè dầm) nhé!

Bố bảo:

- Chu choa, Lem lý sự thế!

Chiều, Lem cùng cả nhà đi chợ Việt Nam, rồi sau đó ra biển để tận hưởng nốt thời tiết ấm áp của tiết đầu thu. Lúc chuẩn bị ra khỏi chợ, chạy nhảy thế nào mà Lem ngã xước đầu gối, chân rớm máu. Ra đến biển, mẹ dỗ dành mãi Lem mới để mẹ lội nước bế ra một quãng xa. Mẹ tranh thủ vớt nước biển lên để rửa chân, sát trùng cho Lem. Nhìn bố lặn ngụp trong làn nước biển trong mát, mẹ thèm bơi quá, nhưng dụ dỗ thế nào Lem cũng không chịu đứng xuống tự chơi. Đã thế, sau một hồi "nhỏ to" với mẹ, Lem tức tưởi khóc toáng lên. Lem vừa khóc vừa trình bày:

- Mẹ ơi, con lo lắng cho cái chân của con lắm. Con không thích tắm đâu. Mẹ đưa con vào trên bờ cát đi. Mẹ con mình trải thảm ra để ngồi đó ngắm mặt trời lặn đi mẹ. Con chỉ muốn ngồi ngắm mặt trời lặn thôi!

Lem đã đề nghị rõ ràng như thế mà mẹ còn ép Lem tắm biển thì thật là vô lý quá. Thế là cả nhà kéo nhau lên bờ. Tưởng còn sớm mà hóa ra chẳng sớm chút nào. Cả nhà thay đồ xong thì mặt trời cũng sắp lặn. Thu rồi, mặt trời lặn sớm hơn ngày hè gần cả tiếng đồng hồ.

Trải thảm ra, Lem cẩn thận xếp chỗ mẹ ngồi bên bố. Mẹ hỏi:

- Tại sao con lại xếp mẹ ngồi cạnh bố?

Lem cười tủm tỉm, trả lời (bằng tiếng Anh):

- Vì bố mẹ là Bạn mà!*

Những ánh mây hồng rực lên dưới ánh chiều tà. Lem chăm chú quan sát mặt trời đỏ ối, tròn xoe như trứng gà lặn dần xuống biển ... Ngày đã vào đêm...

Hoàng hôn trên bãi biển Edithvale qua ống kính kỹ thuật số của Lem:





* Bạn bè, theo Lem, là mối quan hệ tình cảm gần gũi, thân thiện và đẹp đẽ nhất mà Lem biết. Để bày tỏ tình cảm với ai, Lem thường hỏi - "Chúng mình là Bạn nhé!". Có lần, Lem hỏi gì Hương:

- Dì với con là Bạn chứ?

Dì bảo:

- Đâu có, dì là dì mà.

Lem giải thích:

- Có chứ. Thế chơi với con dì có vui không, có thích không, có hạnh phúc không? Nếu có, thì dì đúng là Bạn của con rồi.